Lãi suất giảm liên tục, sao vốn chưa trở lại với chứng khoán?

(ĐTTCO) - Đầu tháng 5, các ngân hàng thương mại đã khởi động một đợt giảm lãi suất huy động mới. Như vậy từ mức huy động trung bình đạt đỉnh hồi tháng 1 trên 9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, đã liên tục giảm xuống chỉ còn quanh 7,5%/năm hiện tại.
Lãi suất giảm liên tục, sao vốn chưa trở lại với chứng khoán?

Thời điểm cuối năm 2022 và đầu 2023, lãi suất tăng đã thu hút một lượng lớn tiền rời khỏi thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng nay vẫn chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng về sự đảo ngược dòng vốn này.

Thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng

Kể từ sau kỳ nghỉ Lễ đến nay, thanh khoản trên thị trường đã rục rịch phục hồi. Thống kê với giá trị khớp lệnh sàn HoSE, trong 5 phiên giao dịch trở lại kể từ ngày 4-5-2023, mức khớp bình quân sàn này đạt 8.652 tỷ đồng/phiên. Đây là mức phục hồi khá tốt so với trung bình 2 tuần trước kỳ nghỉ chỉ khoảng 7.821 tỷ đồng/phiên.

Tuy vậy mức tăng chưa tới 11% không phải là điều gì quá ấn tượng, khi so sánh với mức trung bình 2 tuần đầu tháng 4-2023 khoảng 11.673 tỷ đồng/phiên. Con số này càng nhỏ nếu so với 2 tháng cuối năm 2022 khi TTCK tạo đáy và có một nhịp phục hồi hơn 15% tính theo VN Index.

Điểm bất ngờ là dòng tiền không chỉ thu hẹp nói chung, mà còn giảm cả ở nhóm quỹ ETF, những tổ chức vốn hút tiền mạnh mẽ khi TTCK Việt Nam suy giảm mạnh. Số liệu theo dõi của FiinGroup với một số quỹ ETF lớn đang đầu tư vào TTCK Việt Nam, cho thấy khả năng huy động vốn mới đã chững lại kể từ đầu tháng 3-2023.

Duy nhất quỹ Fubon ETF (vốn Đài Loan) có một đợt huy động vốn mới khá tốt trong nửa sau tháng 3, các quỹ còn lại như VanEck Vietnam ETF, Xtrackers FTSE, iShares MSCI (vốn châu Âu) hay quỹ VFMVN Diamond, VFM VN30 (vốn Thái Lan) gần như tạm ngưng, thậm chí đang bị rút ròng. Tính từ đầu tháng 4-2023 đến nay, quỹ Fubon có lượng vốn vào ròng khoảng 132 tỷ đồng, trong khi VanEck Vietnam ETF bị rút ròng 602,5 tỷ đồng, Xtrackers FTSE bị rút 23,3 tỷ đồng; iShares MSCI bị rút 274,3 tỷ đồng; VFMVN Diamond bị rút 294,5 tỷ đồng; VFM VN30 bị rút 170,1 tỷ đồng.

Giá trị khớp lệnh trung bình động 5 phiên và 20 phiên trên sàn HoSE (tỷ đồng). Thanh khoản đã suy giảm liên tục khi cơ hội lợi nhuận không rõ ràng trên TTCK.

Giá trị khớp lệnh trung bình động 5 phiên và 20 phiên trên sàn HoSE (tỷ đồng). Thanh khoản đã suy giảm liên tục khi cơ hội lợi nhuận không rõ ràng trên TTCK.

Tương ứng với đó, cường độ mua bán của khối nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường hàng ngày cũng sụt giảm đáng kể. Thống kê với giao dịch cổ phiếu tại sàn HoSE (bao gồm cả thỏa thuận), kể từ đầu tháng 4-2023 tới nay, chỉ có 2 phiên ngày 24-4 và 26-4 NĐTNN có mức độ giải ngân trên 1.000 tỷ đồng. Còn trong 5 phiên giao dịch kể từ sau kỳ nghỉ Lễ, thậm chí NĐTNN còn không có hôm nào mua cổ phiếu HoSE quá được 800 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 4-2023, riêng cổ phiếu sàn HoSE bị bán ròng 3.311 tỷ đồng.

Không chỉ là điểm rơi đáo hạn?

Lãi suất huy động cao vẫn là một tác động bất lợi đối với dòng tiền trên TTCK. Điều này có thể chứng minh dễ dàng bằng giai đoạn lãi suất đạt đỉnh hồi tháng 12-2022 và tháng 1-2023, số liệu từ NHNN cho thấy lượng tiền gửi của cư dân trong hệ thống NH đã tăng vọt. Cụ thể, thời điểm tháng 10-2022 khoảng 5,66 triệu tỷ đồng, tháng 11-2022 đạt 5,74 triệu tỷ đồng và đến cuối tháng 12-2022 là 5,87 triệu tỷ đồng, đến tháng 1-2023 là 6,04 triệu tỷ đồng và tháng 2-2023 là 6,18 triệu tỷ đồng. Nhưng mặt bằng lãi suất huy động bắt đầu giảm từ tháng 2-2023 và kéo dài đến nay.

Ngoài yếu tố thời điểm của câu chuyện đáo hạn tiền gửi, dòng tiền quay trở lại với chứng khoán không đơn giản là tìm kênh đầu tư, mà còn là cơ hội đầu tư có thật sự rõ ràng hay không.

Mức tăng tiền gửi nói trên dĩ nhiên bao gồm nhiều nguồn khác nhau, nhưng chắc chắn có một phần từ kênh chứng khoán. Với lãi suất huy động 6 tháng bằng với kỳ hạn 1 năm và trên 9,5%/năm, thậm chí nhiều NH nhỏ trên 10%/năm thì so với thực trạng TTCK sụt giảm, đó là một lựa chọn không tồi.

Mặt khác bối cảnh lúc đó cũng khuyến khích NĐT rút khỏi TTCK và hướng tới kênh tiết kiệm, khi đợt tăng lãi suất của Fed đang rất dữ dội, liên tục các bước nhảy 0,75 điểm phần trăm rồi 0,5 điểm phần trăm, hứa hẹn lãi suất trong nước sẽ còn lên tiếp gây tác động xấu kéo dài với kênh đầu tư chứng khoán.

Lúc này, hiệu ứng ngược đang được trông đợi, khi Fed tăng lãi suất chậm lại và có thể ngưng, lãi suất huy động trong nước giảm nhanh, dòng tiền sẽ lại tìm về kênh chứng khoán. Tuy nhiên ngay cả khi điều đó là đúng, thì điểm rơi đáo hạn cũng sẽ chưa xuất hiện nhiều ngay trong tháng 5 này, mà có thể phải tới tháng 6 hay tháng 7, với giả định phần lớn NĐT sẽ lựa chọn kỳ hạn tối thiểu 6 tháng và chọn đúng thời điểm đỉnh của lãi suất.

Ngoài yếu tố thời điểm của câu chuyện đáo hạn tiền gửi, dòng tiền quay trở lại với chứng khoán không đơn giản là tìm kênh đầu tư, mà còn là cơ hội đầu tư có thật sự rõ ràng hay không. Số liệu tài khoản đầu tư mở mới 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy một sự chán nản: Tháng 4 vừa qua NĐT cá nhân trong nước chỉ mở thêm 22.638 tài khoản, và lũy kế 4 tháng đầu năm là 161.610 tài khoản. Con số 4 tháng này so với thời điểm đỉnh cao như riêng tháng 6-2022 thậm chí chưa bằng một phần ba. Trong khi mức định giá của thị trường trên cơ sở kết quả kinh doanh kém cỏi quý I-2023 không phải là rẻ với hệ số P/E khoảng 12,55 lần.

Những số liệu kinh tế vĩ mô thời điểm tháng 4 vừa qua cũng chưa có thấy gì khởi sắc. Tín dụng tăng 2,06% tính đến hết quý I-2023 là quá chậm, phản ánh nhu cầu vốn yếu chứ không hẳn chỉ vì lãi suất cho vay cao. Thậm chí kết quả thăm dò với các tổ chức tín dụng vừa công bố ngày 9-4, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cũng chỉ có thể đạt hơn 6%, khá thấp so với mức tăng 9,35% của nửa đầu năm 2022.

Dù TTCK vẫn có thể có những con sóng ngắn, nhưng xu hướng tích lũy tạo đáy kết thúc chu kỳ giá giảm vẫn chưa hoàn chỉnh, đồng nghĩa với cơ hội bùng nổ còn xa.

Các tin khác