Đợt bùng phát dịch lần 4 đã có tác động đối với hoạt động tín dụng NH, khả năng trả nợ của khách hàng. Vậy những tháng cuối năm tín dụng sẽ được điều hành như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ nền kinh tế. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng nói chung, nhưng sau đợt nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng lần 2 trong năm 2021 cho một số NH của NHNN vào tháng 7, lại đang xuất hiện kỳ vọng có thêm đợt nới room tín dụng trong quý IV này, để hỗ trợ nền kinh tế. Ông nhận định như thế nào về kỳ vọng này?
- Trong những tháng cuối năm, có hai khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất, nhu cầu vay vốn càng ngày càng lớn. Trong khi với lần nới room tín dụng mới đây, các NH cũng đã sử dụng gần hết. Vì vậy có thể cuối năm, họ vẫn xin tăng thêm một lần nữa.
Khả năng thứ hai, nền kinh tế Việt Nam bị suy yếu rất trầm trọng. Nhu cầu vốn tăng nhưng NH ngần ngại cho vay. Chưa thể nói khả năng nào có xác suất lớn hơn, nhưng, các NH luôn dự trù có thể sẽ cho vay nhiều.
Vì thực tế sức khỏe của DN suy yếu trầm trọng song cũng có những DN họ có thể chịu đựng được, và có khả năng trả nợ. Các NH dĩ nhiên sẽ tìm đến các DN này. Đồng thời, vẫn có nhiều DN có tài sản đảm bảo, nên dù dịch bệnh, họ vẫn có khả năng vay vốn.
Còn nhìn trên bình diện chung, nhu cầu về thanh khoản cũng như nhu cầu vay của DN lúc nào cũng lớn, và sẽ càng lớn hơn trong lúc dịch bệnh như thế này. Ngành NH đang được yêu cầu phải hỗ trợ DN vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tín dụng. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có trường hợp các NH xin tăng hạn mức tín dụng, và NHNN cũng nên phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các NH.
- Đây là vấn đề khó. NHNN cũng biết, các NH giảm lãi suất phải tùy theo mức độ rủi ro của khách hàng và khả năng của chính NH.
Rủi ro của khách hàng phải giảm, NH mới giảm lãi suất được. Chỉ trừ trường hợp lãi suất giảm cả hai đầu, nhưng hiện đầu huy động vốn không còn dư địa để giảm. Lúc này, nếu giảm lãi suất cho vay, các NH có thể phải chịu thiệt, và họ cũng không chấp nhận.
NHNN cũng không thể ép các NH vào tình trạng kinh doanh tín dụng lỗ. Vì đến cuối cùng nếu các NH lỗ, NHNN sẽ xử lý họ. Cho nên, NHNN phải để cho các NH theo chỉ tiêu tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo chỉ tiêu đó, những biện pháp NHNN đưa ra như giảm lãi suất, công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng NH, hay thậm chí là xem xét tăng room tín dụng cho những NH có chính sách thiết thực trong việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế… theo tôi không phải là công cụ hữu hiệu để giảm lãi suất.
Thực tế, những biện pháp như NHNN đưa ra cũng mang tính linh hoạt, không thể cứng rắn, cứng nhắc được, vì NH đang hoạt động theo kinh tế thị trường.
- Vậy ông dự báo thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng năm nay?
- Tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng năm 2021 vẫn sẽ đạt mức 12% như kỳ vọng từ đầu năm. Một là vì nhu cầu vốn của DN vẫn rất lớn, đặc biệt trong lúc này. DN càng khó khăn, họ càng cần vốn hơn lúc nào hết. Nhu cầu có và có nhiều DN vẫn có khả năng vay, nhất là DN lớn, DN có uy tín lớn với NH, đặc biệt là những DN có tiền gửi lớn tại NH.
Hai là, hiện NH đang cần có lợi nhuận hơn lúc nào hết, vì nợ xấu tăng cao, cần phải có nguồn dự phòng để đối phó được với tình hình nợ xấu trong tương lai. Đồng thời, lợi nhuận sẽ bổ sung cho vốn tự có của nhà băng, vì lúc này là lúc không thể nói vốn tự có quá dày rồi, mà chỉ có thể nói càng dày càng tốt. Đây sẽ trở thành gối đệm cho rủi ro trong tương lai của NH.
Cho nên, các NH sẽ nỗ lực tăng tín dụng, và mức tăng trưởng 12% hoàn toàn có khả năng đạt được.
- Hiện NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 03 theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng, ông có đồng tình với nội dung dự thảo đưa ra?
- Gần đây, một số DN phản ánh họ đã được cơ cấu nợ một lần theo Thông tư 01/2021 nhưng làn sóng Covid thứ 4 khiến nhiều DN rơi vào cảnh khoản nợ được cơ cấu có nguy cơ trở thành nợ xấu, vì chưa có khả năng trả nợ. Giải pháp nào cho những DN này, thưa ông?
- Tôi cho rằng nên tiếp tục cho họ cơ cấu lại nợ, hoãn nợ nếu có thể. Tức là đã hoãn lần một, nếu đến hạn có thể xem xét điều kiện của DN để hoãn nợ lần hai. Vì nếu siết chặt, nguy cơ DN phá sản sẽ càng cao.
Ngoài ra, hiện nay giãn, hoãn nợ ở đây chủ yếu cho nợ gốc. NH không tha lãi, các DN vẫn phải trả nợ lãi. Trong khi nhiều DN đang lúng túng và rất khó khăn. Đây là vấn đề cần xem xét.
- Đang có nhiều quan điểm liên quan đến việc NHNN nên hay không nên nới lỏng tiền tệ, để hỗ trợ nền kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI 8 tháng chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát 8 tháng cũng ở mức thấp. Thế nhưng, tình hình lạm phát ổn định như công bố lại không phản ánh thực tế nền kinh tế. Vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sức cầu giảm đi, chứ không phải do không có sức cầu. Khi hàng hóa không đến được người tiêu thụ, do chuỗi cung ứng đứt gãy, hiện tượng đẩy giá lên cũng xuất hiện.
Trong tình hình như thế, cung cầu không còn phản ánh thực tế mà bị lệch lạc. Vì thế, con số do Tổng cục Thống kê đưa ra về tỷ lệ lạm phát cũng không sát với thực tế.
Vậy trong trường hợp này, liệu NHNN có nên nới lỏng chính sách tiền tệ vì lạm phát thấp không? Tôi cho rằng, có lẽ NHNN không thể thực hiện chính sách tiền tệ để bình ổn giá. Vì giá cả lúc này đã bị méo mó. Tuy nhiên, cũng nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đây không phải là lúc lo vấn đề lạm phát, mà là lúc phải cứu nền kinh tế, cứu người dân và cứu các DN. Cần phải an sinh xã hội và giúp DN duy trì, phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất. Một trong những công cụ của chính sách tiền tệ là cung tiền, hãy mở rộng cung tiền ra để giúp nền kinh tế vượt khó.
Bên cạnh đó cũng phải nói rằng, chính sách tài khóa hiện nay chưa vào cuộc một cách mạnh mẽ và đẩy áp lực lên chính sách tiền tệ. Vì vậy, chính sách tài khóa cần phải mạnh tay hơn nữa, để gánh đỡ những gánh nặng của nền kinh tế là vấn đề cần thiết.
- Xin cảm ơn ông.