Làm gì để tự do tài chính?

(ĐTTCO) - Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của đồng tiền trong cuộc sống. Tuy nhiên xác định mối quan hệ với tiền, làm cách nào để kiếm nhiều tiền hơn, tăng trưởng nhanh hơn nhằm mục tiêu tự do tài chính, là cả một quá trình cần được giáo dục để nâng cao trí tuệ tài chính.
Làm gì để tự do tài chính?

Đó là điều mà độc giả sẽ rút ra được sau khi đọc cuốn sách “Sự thật mất lòng về Đàn ông, Đàn bà và Tiền bạc” của tác giả Kevin O’Leary (NXB Hồng Đức, dịch giả Phúc Chi).

Như một cẩm nang về quản lý tài chính, tác giả đã đưa ra nguyên tắc cơ bản “Chi tiêu ít hơn, tiết kiệm tốt hơn, đầu tư thường xuyên” và đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình cá nhân mà bản thân ông đã áp dụng.

Ngoài ra, ông còn đưa ra những lời khuyên cho độc giả cách ứng xử xung quanh trong cuộc sống giữa người thân, bạn bè, anh em vợ chồng và cách nuôi dạy con cái xung quanh tiền bạc. Đầu tiên, “đừng tiêu quá nhiều, tiết kiệm chính là đầu tư” là những lời khuyên đơn giản nhưng khó làm theo.

Theo Kevin O’Leary, để thay đổi thói quen tiền bạc cần xem xét kỹ lưỡng đầu vào và đầu ra tài chính của bạn. Trước khi bạn có thể chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư thì bạn phải ngăn chặn dòng tiền bị chảy ra bên ngoài.

Sự hiểu biết tạo nên sức mạnh, hãy bắt đầu với thu nhập của bạn. Hãy thống kê số tiền bạn kiếm được và chi ra trong 3 tháng một cách rõ ràng, quan trọng nhất, ghi lại các khoản thanh toán nợ, hóa đơn, tiện ích, thanh toán tiền mua trả góp xe hơi và thế chấp hoặc tiền thuê nhà của bạn. Nếu số tiền kiếm được nhiều hơn số tiền bạn tiêu thì đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên trong trường hợp chi nhiều hơn thu thì bạn sẽ mắc nợ.

Và lúc này bạn sợ mất việc, tài sản mất giá, hay bạn đang né tránh những cuộc gọi, và đắm chìm trong những suy nghĩ mơ màng về tiền bạc như trúng vé số, hoặc thừa kế, hoặc vận may từ sự chuyển đổi tài chính thì đó là mầm mống của thảm họa. Căng thẳng về nợ nần và khó khăn tài chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, các mối quan hệ của chúng ta và khả năng kiếm tiền của bản thân để kiếm được số tiền cần để có được số tiền đó.

Lời khuyên của tác giả trong chi tiêu rất đáng ghi nhớ. Chẳng hạn như trước khi mua hàng, bạn nên cân nhắc: a) Bạn đã suy nghĩ đầy đủ về việc mua hàng này chưa; b) Mua mặt hàng này sẽ không tạo nợ cho bạn hoặc bất kỳ ai khác; c) Bạn không chỉ muốn mặt hàng này mà phải có nhu cầu thực sự; d) Mặt hàng này có giá trị hơn tiền lãi bạn kiếm được nếu bạn tiết kiệm tiền thay thế; và e) Mặt hàng này sẽ quan trọng với bạn trong một năm.

Về đầu tư, tác giả khuyên ta nên thực hiện đúng và ngay bây giờ: Hãy tiến hành khi bạn cảm thấy thoải mái và không lo chuyện nợ nần, không có giới hạn về tuổi tác. Đa dạng hóa danh mục đầu tư, đảm bảo rằng bạn chỉ đầu tư 5% số tiền của mình vào bất kỳ cổ phiếu hoặc trái phiếu nào và chỉ 20% vào bất kỳ phân khúc nào như lĩnh vực năng lượng (có thể không ổn định). Chúng ta cần nhớ trong kinh doanh, tiền và nước mắt không trộn lẫn vào nhau.

Tác giả cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa tình yêu và tiền: Các bạn yêu nhau và trước khi muốn dọn về ở chung thì cần cân nhắc các vấn đề như số tiền thu nhập trong một năm và việc phân chia tài chính trong tương lai? Số tiền dư nợ? Kế hoạch sinh con? Công việc của đối tác? Có thói quen đánh bạc hay mua vé số không? Lương hay bất cứ thứ gì được tiết kiệm để nghỉ hưu không?

Theo tác giả, cuốn cẩm nang tài chính sẽ giáo dục sớm về tài chính là cần thiết để chúng ta có thể đảm bảo một cuộc sống thoải mái và tự do. Việc hiểu biết về tiền và mối quan hệ rõ ràng với tiền sẽ cho phép bạn chủ động và thành công trong hành trình khám phá cuộc sống.

Các tin khác