Làm sao chữa 'căn bệnh nan y' lấn chiếm vỉa hè?

(ĐTTCO)-Câu chuyện vỉa hè đường Phạm Văn Đồng đã tốn không ít giấy mực và công sức của cơ quan quản lý địa phương nhưng "trò chơi đuổi bắt" trên vỉa hè xem ra chưa có hiệu quả.
Vỉa hè đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP.HCM bị lấn chiếm từ nhiều năm nay - Ảnh: TỰ TRUNG
Vỉa hè đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP.HCM bị lấn chiếm từ nhiều năm nay - Ảnh: TỰ TRUNG

Vỉa hè ở TP.HCM phải "cõng" một số chức năng "thương mại", thực tế này tồn tại từ nhiều năm nay và chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè chỉ như "bắt cóc bỏ dĩa", ra quân rồi đâu cũng vào đấy.

Có thể nói, "tẩy trắng" vỉa hè là điều bất khả thi. Nhưng để xảy ra lấn chiếm vỉa hè cũng gây bức xúc cho nhiều người khác. Đây là tình trạng chung của đô thị đang phát triển mạnh nhưng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp.

Quản lý và sử dụng vỉa hè đô thị trên toàn bộ các tuyến đường đô thị tại TP.HCM nói riêng và các đô thị khác như "căn bệnh nan y" mà các cơ quan chức năng chưa giải quyết được một cách thấu đáo về lý và tình mà đường Phạm Văn Đồng là một ví dụ điển hình.

Vỉa hè tuyến đường được mệnh danh là đẹp nhất TP.HCM rộng từ 3 - 7m nên người sở hữu nhà mặt tiền đường tận dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh. Từ tan tầm buổi chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thậm chí lòng đường Phạm Văn Đồng để kinh doanh khá hỗn loạn.

Điều này ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, chất lượng sống của dân trong khu vực, ô nhiễm tiếng ồn, mỹ quan đô thị về đêm và dễ phát sinh các vấn nạn xã hội khác.

Ai cũng muốn có sự quản lý nề nếp để chấn chỉnh tình trạng này. Nhưng việc quản lý vỉa hè hiện gần như "mạnh ai nấy làm". Sở Giao thông vận tải quản lý lòng đường, kiểm tra xử phạt lại là thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận cấp phép sử dụng vỉa hè, UBND phường kiểm tra, xử phạt việc lấn chiếm vỉa hè...

Để chấm dứt chuyện khổ lắm nói mãi, trước hết, cần thay đổi về tư duy và quan niệm về vỉa hè. Vỉa hè không chỉ là bề rộng của phần lề đường ở hai bên đường dùng cho giao thông, mà còn là một không gian sinh hoạt công cộng thiết yếu của đô thị, mang sắc thái của đô thị và người dân địa phương.

Ta thường chứng kiến "trò chơi cút bắt" xảy ra ở không gian các vỉa hè TP.HCM, mà kết quả là cả người đi rượt bắt và người bị rượt bắt đều mệt mỏi. Nhìn cảnh đó, đôi khi chạnh lòng vì chưa có hướng giải quyết rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên.

Với một nền kinh tế đang phát triển, trong không gian đô thị nhỏ hẹp tại TP.HCM, việc "tẩy trắng" sinh hoạt lòng, lề đường là không thể, gây khó khăn cho cuộc sống mưu sinh của những người có mức thu nhập thấp hoặc vừa phải.

Thay vì cấm, nên cho phép sử dụng một phần vỉa hè thông qua một hệ thống quy định được nghiên cứu thận trọng. Thay vì giải tỏa các trường hợp "đánh cắp" vỉa hè, lòng lề đường, Nhà nước cần quy hoạch lại và đấu giá, cho thuê tạo nguồn thu để nâng cấp cho vỉa hè. Với từng vỉa hè hiện hữu, cần có quy định về quản lý, sử dụng nhưng phải bảo đảm diện tích dành cho công cộng.

Khi vai trò chủ sở hữu của Nhà nước được thể hiện rõ ràng, sẽ không xảy ra tình trạng "đánh cắp" vỉa hè như hiện nay. Chẳng hạn, những quán cà phê, quán nhậu có không gian hẹp chiếm dụng vỉa hè để bán cho thực khách, thu lợi cao. Việc thu phí cho thuê vỉa hè cũng là cách quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện hợp pháp cho các hộ kinh doanh hoạt động ổn định.

Hộ kinh doanh phải đóng tiền thuê vỉa hè, khi không có nhu cầu có thể "chia" lại cho các hộ bên cạnh có nhu cầu. Việc phải trả tiền sử dụng vỉa hè cũng giảm tình trạng lấn chiếm bừa bãi. Về phần người quản lý, phải chủ động quy định cách bao nhiêu mét mới được phép có một ô để làm tủ thuốc, sạp báo, chỗ bơm vá xe...

Đồng thời Nhà nước phải quy hoạch không gian công cộng, không gian phục vụ người đi bộ, cần tuân thủ quy định đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ như phải dành tối thiểu 1,5m bề rộng vỉa hè để người dân có thể đi bộ trên vỉa hè là điều bắt buộc.

Có tổ chức sinh hoạt không gian vỉa hè bài bản sẽ tạo thêm bộ mặt sinh động của thành phố, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và mưu sinh của người dân.

Bên cạnh việc đó, cơ quan nhà nước có thể quy định và giao thêm trách nhiệm quản lý và khai thác vỉa hè cho chính chủ sở hữu nhà mặt tiền có phần vỉa hè trước nhà, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về mỹ quan, trật tự... Chỉ có vậy mới đưa hoạt động trên vỉa hè vào nề nếp, còn nếu không thì cứ mãi cảnh rượt đuổi trên vỉa hè mà vỉa hè vẫn nhếch nhác.

"Ai cũng muốn có sự quản lý nề nếp để chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè. Nhưng việc này hiện gần như "mạnh ai nấy làm".

"Món nợ" hàng chục năm

Vỉa hè bị chiếm dụng, không còn lối cho người đi bộ. Trả lại lối đi bộ và vẻ đẹp mặt tiền đường, biết bao giờ? Vậy rồi khoanh tay chấp nhận hay chịu đựng năm này tháng nọ vì không thể dẹp nổi?

Vỉa hè của ai? Đó là không gian chung của đô thị. Không phải là tài sản riêng của những người có nhà mặt tiền, cũng không phải là mặt bằng ai cũng có thể bày bàn ghế bán hàng (sau khi đã chi ít tiền cho chủ nhà có mặt tiền).

Chấn chỉnh thực trạng chiếm dụng vỉa hè bao năm qua như "bắt cóc bỏ dĩa". Và việc buôn bán này không còn là chuyện giữa đôi bên mua - bán, không chỉ cản trở giao thông mà còn là nỗi khổ vì tiếng ồn của bao nhà sống ở nơi gần các vỉa hè bị biến thành quán xá, chất lượng cuộc sống của họ bị tước mất một phần.

Nếu không thể dẹp được hàng quán vỉa hè, thực trạng này cần được quản lý bài bản hơn. Có quy chuẩn chung kèm với đó là các loại chi phí người kinh doanh phải đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Không thể kéo dài mãi chuyện người được lợi, người phải chịu đựng muộn phiền hết tháng này qua năm nọ.

Làm sao chữa căn bệnh nan y lấn chiếm vỉa hè? - Ảnh 3.

Quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐịNH

* Bà Đỗ Thị H. (hẻm 160 đường Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Gò Vấp):

Sắp xếp lại "thị trường vỉa hè"

Nhà tôi gần một quán nướng ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, quán này thuê một bãi đất trống phía trong hẻm làm chỗ để xe. Khách hàng của quán đa số là các bạn trẻ, có khi ăn uống đến 12 giờ đêm, quán nghỉ mới về.

Gia đình tôi thường đi ngủ sớm, nhiều khi tôi thức giấc vì họ ăn uống, nói chuyện chúc tụng nhau lớn tiếng bên ngoài. Thỉnh thoảng, cả xóm náo động vì một bạn trẻ đi xe nhanh, nẹt pô lớn khi chạy từ bãi xe ra đường. Có hôm khách về trễ, các cháu nhân viên dọn dẹp vội, kéo ghế kéo bàn rất mạnh khiến tôi giật mình tỉnh ngủ giữa đêm, mấy tiếng sau mới ngủ lại được.

Cũng có khi quán bên ấy quạt than làm đồ nướng, khói bay nghi ngút sang nhà tôi và những nhà hàng xóm xung quanh, tôi phải qua nhắc nhở. Chủ quán và các em nhân viên cũng tiếp thu và khắc phục chút ít. Hôm nào nghe bên quán dọn dẹp vội vàng bất thường là biết thời điểm ấy có đội trật tự đô thị phường đi kiểm tra, và khi lực lượng ấy đi khỏi thì bàn ghế lại bày ra như cũ.

Chuyện các hàng quán ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, chiếm đường của người đi bộ đã diễn ra từ khi có con đường đến nay. Người dân khu vực này nghèo, có nhà mặt tiền nhưng không có nhiều tiền để xây nhà lớn, phần đông đều sửa chữa nhà cũ rồi cho thuê giá mềm. Những chủ quán phục vụ những món bình dân, thực khách là các bạn trẻ thích tụ tập ở khu vực nửa ngoài đường, nửa trong nhà, mát mẻ, giá cả phải chăng...

Việc tồn tại của các quán nửa trong nhà, nửa vỉa hè kiểu này đáp ứng được nhu cầu của nhiều bên. Nên cho cái "thị trường" con con này tồn tại và sắp xếp nó vào trật tự.

Nhà nước sắp xếp sao để các hàng quán vừa bán được, nhưng cũng phải chừa chỗ cho người đi bộ an toàn. Nếu sắp xếp được và có nguồn thu từ việc cho thuê vỉa hè thì đầu tư thêm một vài nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách và người đi đường.

* Ông Nguyễn Văn Ninh (buôn bán ở lề đường Phạm Văn Đồng):

Tôi muốn thuê vỉa hè để buôn bán đàng hoàng

Tôi bán đồ cũ ở lề đường Phạm Văn Đồng từ hai năm nay, bị công an, trật tự đô thị của phường rượt chạy từ vòng xoay Nguyễn Kiệm, chạy xuống tận khu vực gần cầu Băng Ky rồi chạy ngược trở lên.

Giờ tôi thường bán cố định tại vỉa hè khu vực gần vòng xoay cầu vượt. Mỗi ngày, gần 6 giờ sáng tôi dọn hàng ra, bán đến gần 8 giờ thì dẹp vô (vì giờ đó các lực lượng phường đi làm việc, dễ bị thu hàng). Trưa gần 11 giờ thì tôi dọn ra lại, bán yên ổn cho đến 2 giờ dọn vô rồi tối lại dọn ra.

Khu vực đường Phạm Văn Đồng này có nhiều khách quen, tôi bán được nhiều hàng nhưng giá thuê ở đây không hề rẻ.

Khách hàng của tôi chủ yếu các anh thợ hồ, xe ôm, các bạn chạy Grab và những người nghèo. Họ ghé vô mua cái ổ điện cũ 30.000 đồng, cái ấm đun siêu tốc 50.000 đồng, thỉnh thoảng có người ăn mặc tươm tất chút ghé lại kiếm cái túi da trả 100.000 đồng là "xịn" lắm.

Nếu phải thuê chỗ bán với giá gần năm, bảy triệu đồng mỗi tháng thì tôi không thể bán đồ cũ với giá rẻ vậy cho các khách hàng nghèo của tôi. Họ không có tiền mua thì tôi cũng đâu có đất sống!

Nếu chính quyền cho chúng tôi thuê vỉa hè với giá phải chăng thì tôi ủng hộ quá đi chứ! Được vậy, tôi có cơ hội buôn bán đàng hoàng, hợp pháp, không phải dọn ra dọn vô một ngày sáu bận, bán mà cứ thấp thỏm canh chừng... Buôn bán có chỗ đàng hoàng, giá cả phải chăng thì ai mà không muốn.

Các tin khác