![]() |
“Tranh chấp” trong việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) về mốc đánh thuế vẫn chưa đến hồi kết. Tờ trình của Chính phủ tăng mức khởi điểm chịu thuế TNCN từ 4 triệu lên 9 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng.
Thế nhưng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTC-NS) chỉ chấp nhận mức tăng khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng.
Không phải vô cớ mà UBTC-NS không chấp nhận lời đề nghị của Chính phủ, bởi như vậy đã đụng vào “hầu bao” ngân sách, nhất là lúc ngân sách đang teo lại khi kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ thu chi ngân sách trước đây dường như còn thiếu bền vững.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, năm 2011, tất cả các mục thu ngân sách đều vượt dự toán. Trong đó thu nội địa đạt 425.000 tỷ đồng, vượt 11,3% so dự toán, tăng 19,9% so với thực hiện năm 2010. Đáng chú ý là thuế TNCN thu vượt dự toán 28,6%, mức thu vượt dự toán cao nhất trong các khoản mục thu ngân sách.
Tiếp theo là thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với mức vượt dự toán là 11,3%. Thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh vượt dự toán 10,6%, ngay như thu từ khu vực nhà nước cũng vượt dự toán 0,8%. Thu từ dầu thô cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, chủ yếu do tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới, nên ước thu ngân sách từ dầu thô tăng 44,6% so với năm 2010 và tăng gần 43,8% so với mức dự toán.
Thu từ hoạt động kinh tế đối ngoại cũng cao hơn mức dự toán, với cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 3,8% so với dự toán. Thu viện trợ trong ngân sách nhà nước cũng có sự gia tăng đáng kể, vượt 10% so với dự toán.
Có 3 nguyên nhân chính khiến thu ngân sách vượt mức dự toán. Nhưng hãy khoan bàn đến các nguyên nhân này, chỉ thấy rằng thực tế chi ngân sách nhà nước năm 2011 vẫn tăng cao, với mức tăng 18,6% so với năm 2010 và cao hơn dự toán 9,7%.
Trong đó chi đầu tư phát triển tăng 9% so với năm 2010, vượt dự toán ước tính khoảng 15,1%. Chi trả nợ và viện trợ cũng tăng cao với mức tăng 25,9% so với năm 2010, cao hơn mức dự toán là 17,4%. Chi thường xuyên có mức tăng so với dự toán nhưng thấp hơn các khoản mục chi ngân sách khác, vượt mức dự toán là 4,8% và tăng 17,5% so với năm 2010 (mức chi thường xuyên cao hơn chủ yếu để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội và chi cải cách tiền lương).
Như vậy, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt với việc ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 nhằm thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt, về mặt tài chính, mặt được nằm ở phía thu ngân sách nhà nước, nhưng chi ngân sách nhà nước chưa hoàn thành nhiệm vụ thắt chặt chính sách tài khóa.
Kinh tế đang khó khăn và dự báo trong năm nay vẫn chưa thấy điểm dừng. Do vậy eo hẹp của “hầu bao” ngân sách là điều khó tránh khỏi. Bằng chứng là TPCHM, một địa bàn kinh tế năng động nhất, nhưng tổng lợi nhuận 8 tháng năm 2012 của 95 doanh nghiệp dừng ở mức 3.581 tỷ đồng, chỉ đạt 51,1% kế hoạch năm, giảm 22,45% so cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy công tác thu ngân sách cũng hết sức khó khăn.
Đến nay tổng thu ngân sách chỉ đạt 62,88% kế hoạch, nếu trừ đi dầu thô chỉ đạt 57,8%. Đối với doanh nghiệp nhà nước trung ương đóng trên địa bàn và doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng thu ngân sách chỉ đạt 53,9%, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2011.
Không chỉ thu ngân sách tại chỗ giảm sút, mà thu ngân sách từ hàng nhập khẩu cũng giảm đáng kể. Bằng chứng là Tổng cục Hải quan có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho nới lỏng một số quy định nhập khẩu ô tô mà trước đây bị siết lại do thuộc mặt hàng xa xỉ để tránh độc quyền của các liên doanh.
Song, thực ra kiến nghị này là nhằm cải thiện nguồn thu ngân sách khi 8 tháng năm 2012 số thu thuế chưa đạt 60% kế hoạch, trong đó mặt hàng ô tô giảm 50% giá trị so cùng kỳ.
Chính vì vậy, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UBTC-NS đã phải lý giải: “Việc nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế TNCN, đưa thuế này trở thành thuế thu nhập cao”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu áp dụng mức khởi điểm 9 triệu đồng, từ khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chiếm 4,4% dân số cả nước), số lượng người nộp thuế chỉ còn khoảng 1 triệu người.
Tương tự số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn, ảnh hưởng lớn đến “hầu bao” ngân sách. Do vậy với các đại biểu “phản pháo” với lý giải của UBTC-NS tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Thuế TNCN, là không nhằm mục đích bảo vệ “mức sống thực tế” của những người làm công ăn lương trong lúc kinh tế khó khăn.