Trên thế giới rất nhiều quốc gia đã thành công và có thêm diện tích phục vụ cho phát triển. Chẳng hạn Singapore cũng mở mang lãnh thổ của mình bằng cách lấn biển. Diện tích của “đảo quốc sư tử” đã tăng từ 581,5km2 vào những năm 1960, lên 697,35km2 vào năm 2017 và có thể sẽ tăng thêm 100km2 vào năm 2030.
Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands nổi tiếng - tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, điểm thu hút du lịch bậc nhất của Singapore, cũng được xây dựng nhờ lấn biển.
Hay nhắc đến Dubai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến dự án đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah. Đây là công trình lấn biển nổi tiếng được khởi công xây dựng vào năm 2001 bởi Nakheel Properties, công ty bất động sản thuộc sở hữu của Chính phủ Dubai.
Sau 7 năm xây dựng cùng số vốn lên tới 12,3 tỷ USD, Palm Jumeirah trở thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân. Nơi đây quy tụ nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Dubai như Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray...
Ở Việt Nam từ năm 2010 đã bắt đầu xuất hiện các dự án lấn biển, với lợi thế hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, hầu hết tỉnh thành ven biển đều có nhu cầu phát triển và lấn biển. Theo số liệu thống kê, trong khoảng 10 năm gần đây (2010-2021), hoạt động lấn biển diễn ra ở ít nhất 16 tỉnh/thành phố ven biển trên cả nước.
Tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng rộng 224ha; Khu đô thị mới Hạ Long Marina (Hạ Long - Quảng Ninh) rộng 230 ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha; Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha.
Tuy nhiên, những dự án này ở quy mô vừa và nhỏ, hầu hết là dự án thành phần trong một dự án hạ tầng hay khu đô thị mới lớn hơn.
Song trong những năm tới, xu hướng lấn biển ở nước ta dường như mạnh mẽ hơn, quy mô lớn hơn. Một trong số chương trình lấn biển lớn nhất là của tỉnh Bến Tre. Bởi trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng phát triển về hướng Đông, cụ thể Bến Tre sẽ lấn ra biển 50.000ha.
Có thể nói đây sẽ là dự án lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Tại buổi họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre nêu rõ, thực trạng "đất chật người đông" của tỉnh Bến Tre với dân số thực tế khoảng 1,6 triệu người và không ngừng tăng lên, trong khi diện tích tự nhiên không đổi với khoảng 2.360km2, nên không còn cách nào khác phải mở rộng ra biển.
Và lãnh đạo tỉnh Bến Tre tin chắc rằng khu lấn biển sẽ góp phần tạo ra cú hích để phát triển kinh tế. Trên đó sẽ có những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại. Tương tự như thế TPHCM cũng có một dự án lấn biển ở Cần Giờ gần 3.000ha, được coi là dự án lớn đứng thứ 2 sau Bến Tre.
Không ai nghi ngờ lợi ích lấn biển mang lại cho quốc gia, tỉnh thành tăng diện tích đất, hình thành nền kinh tế hướng biển, trong một số trường hợp lấn biển là một cách chặn tình trạng sạt lở biển ăn sâu vào đất liền. Nhưng có một thực tế là thời gian gần đây, các dự án lấn biển có qui mô lớn trên thế giới giảm dần, những dự án được hình thành trên giấy do dự chưa triển khai ngay, vì còn nghe ngóng diễn tiến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cực đoan.
Nếu đúng như dự đoán của LHQ là đến năm 2070 nước biển dâng cao 0,7-1m, thì việc bỏ hàng hàng tỷ USD để xây dựng các khu lấn biển là công cốc. Thực tế cho thấy, không phải dự án lấn biển nào cũng thành công, nhiều dự án thất bại, hậu quả để lại không chỉ tốn kém tiền bạc mà cả nhân mạng.
Điển hình nhất là ở Bangladesh có một dự án lấn biển khổng lồ, tạo ra một vùng đất nhô ra biển, nhưng lại không tính đến khả năng bão lũ để xây dựng các công trình chắn sóng, thoát nước biển. Và vào tháng 11-1970, bão lũ dữ dội tràn vào đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người sinh sống trên khu vực lấn biển đó.
Vấn đề cần nhận thức ở đây là lấn biển không phải cứ đổ đất cát xuống biển là sẽ có đất đưa vào sử dụng, mà thực sự là một bài toán cực kỳ phức tạp. Các chuyên gia chỉ ra một loạt các thách thức mà các nhà lấn biển phải tính đến.
Trước hết là hành động này sẽ làm thay đổi hệ sinh thái biển gần bờ, vì hệ sinh thái tự nhiên này được hình thành và ổn định qua hàng ngàn năm, khi lấn biển chắc chắn các dải san hô, rong tảo và sinh vật như cá tôm, thủy sinh sẽ không còn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm mất đi nguồn sống của người dân địa phương sống bằng nghề nông-ngư nghiệp.
Người dân Cần Giờ chủ yếu sống bằng các nghề như nuôi hàu biển, đánh bắt tôm cá, cua ở những bãi sình lầy, nước lợ, một khi khu vực lấn biển hoàn thành thì những loại thủy hải sản tự nhiên này không còn nữa, những dải bùn nhão là môi trường sống của thủy sinh sẽ đông cứng lại, các rừng cây ngập mặn như sú, vẹt, đước, ô rô, chà là cũ sẽ chết.
Khu vực lấn biển có thể là đảo, là dải đất dài hay nhô ra từ đất liền như cái cục u lạc đà. Nếu không tính toán kỹ có thể nó sẽ làm thay đổi dòng nước biển ven bờ gây xói lở ở khu vực khác đâu đó, dẫn đến tình trạng “thêm một miếng” ở nơi này nhưng có khi lại mất đi một miếng to hơn ở nơi khác.
Bài học cửa Đại của Hội An là một thí dụ, chính do việc lấn biển không tính toán mà cửa Đại liên tục bị xói lở có nguy cơ mất luôn địa danh này.
Thêm nữa, lấn biển ngoài việc cần có một nguồn vốn vô cùng lớn thì cần có một lượng cát khổng lồ để đổ xuống đó, trong bối cảnh hiện nay tìm ra nguồn cát lớn lên đến hàng trăm triệu m3 là điều không dễ. Các dự án giao thông ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ đang “đói cát”, cho thấy kế hoạch lấn biển phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Do vậy, các dự án lấn biển có quy mô lớn ở Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và đặt nó trong bài toán liên vùng, không thể nóng vội, ngẫu hứng theo kiểu phong trào được.
Đã từng có nhà lãnh đạo địa phương cho rằng, phát triển kinh tế lấn biển theo kiểu “lấy mỡ rán mỡ”, cứ đổ cát xuống, vừa lấn vừa kêu gọi nhà đầu tư nhảy vào là làm nên cơ đồ. Không dễ như lãnh đạo đó nói đâu, bởi để chờ cát lún đến mức ổn định cũng mất vài năm, mà các nhà đầu tư bây giờ phần lớn là tìm các tổ đại bàng đã lót ổ xong xuôi, nếu không họ sang nước khác đang chờ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.