Trong số báo 512 ra ngày 5-4-2012, ĐTTC có bài viết “Nhiều dự án lấn chiếm kênh, rạch” phản ánh thực trạng nhức nhối hành lang an toàn 2 bên sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, gây tác hại xấu dẫn đến sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Sau khi báo đăng, ĐTTC đã trao đổi với ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TPHCM, về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vấn đề này.
![]() |
Công ty Keppel Land lấn chiếm rạch Cả Cấm làm đường vào dự án. Ảnh: MINH TUẤN |
-PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thực trạng lấn chiếm kênh, rạch hiện nay đã đến lúc báo động?
Ông PHAN HOÀNG TRÍ: - So với những năm trước, số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng. Chỉ trong năm 2011, các cơ quan chức năng TPHCM đã phát hiện thêm 97 trường hợp, nâng tổng số vi phạm còn tồn đọng lên 112 trường hợp.
Các quận Bình Thạnh, 2, 7, 9 và huyện Nhà Bè là những nơi xảy ra vi phạm nhiều nhất. Từ việc người dân đóng cừ tràm, cất nhà lá ven sông đến những công trình bê tông kiên cố mọc lên thời gian qua, đã làm tăng thêm gia tải, biến đổi dòng chảy dẫn đến nguy cơ sạt lở cao.
Hệ quả nữa là làm mất quỹ đất công cộng, phá vỡ cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, điều hòa dòng chảy và hạn chế chức năng giao thông thủy. Ngoài những khu vực ở trung tâm TP, tình hình lấn chiếm xây dựng nhà cửa, quán xá sát bờ sông ở nhiều quận, huyện đang rất phổ biến. Trong đó, người dân dẫn đầu về số vụ, còn doanh nghiệp dẫn đầu về quy mô, tính chất vi phạm.
- Làm sao để biết một công trình vi phạm thưa ông?
- Quyết định 150/QĐ-UB đã quy định hành lang trên sông, kênh, rạch cụ thể như sau: cấp I-II (sông Sài Gòn, sông Nhà Bè), chiều rộng hành lang mỗi bên 50m, tương tự cấp III-IV (rạch Chiếc) là 30m/bên, cấp V-VI (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) 20m/bên và chưa phân cấp là 10m/bên.
Những công trình xây dựng trên các hành lang an toàn hoặc ngay trên sông, kênh, rạch đều bị coi là vi phạm. Cả 2 loại vi phạm này cần xử lý, cưỡng chế tháo dỡ để trả lại hiện trạng chứ không thể xử phạt hành chính rồi cho tồn tại.
Tại nhiều quận, huyện, do công tác kiểm tra chưa nghiêm, 2 bên bờ kênh, rạch đã bị lấn chiếm gần hết. Chẳng hạn như kênh Tẻ - kênh Đôi bây giờ muốn lấn chiếm cũng không còn chỗ.
- Vậy việc thanh tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh, rạch thời gian qua được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm lấn chiếm xây dựng công trình trên hành lang hoặc trên sông được giao cho UBND quận, huyện. Sở Giao thông-Vận tải và các cơ quan liên quan có chức năng kiểm tra, phát hiện, báo cáo sau đó phối hợp xử lý.
Có một thực tế là nhiều trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành, trong khi địa phương lại không cương quyết trong xử lý. Bên cạnh đó một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tuần tra nhằm phát hiện và xử lý ngay từ đầu những vi phạm.
Vì thế nhiều công trình kiên cố lấn chiếm kênh, rạch mọc lên càng khiến việc xử lý vi phạm thêm khó khăn. Khó khăn nữa là khi đã phát hiện vi phạm, giữa các cơ quan chức năng lại có quan điểm khác nhau trong việc xử lý, người bảo vi phạm, người bảo không.
Xin nêu một thí dụ: Trong một lần kiểm tra luồng tuyến tại rạch Tôm (nhánh Phước Kiển), chúng tôi phát hiện trường hợp sửa chữa nhà nằm trong hành lang bảo vệ bờ cách cầu Bà Sáu khoảng 50m về phía hạ lưu. Diện tích xây dựng với chiều dài dọc sông là 5,6 x 10m, cột bê tông cao 3m, tường gạch cao 3m.
Căn cứ vào Quyết định 150/QĐ-UB ngày 9-6-2004 của UBND TPHCM, chúng tôi đã đề nghị UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo xử lý việc xây dựng trái phép trên. Song Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè lại cho rằng việc xây dựng sửa chữa này không trái với Quyết định 68/QĐ-UBND.
- UBND quận, huyện được giao xử lý vi phạm liệu có mâu thuẫn khi nhiều công trình xây dựng vi phạm lại do họ cấp phép?
- Theo Chỉ thị 09/2010/CT-UBND của UBND TPHCM, trách nhiệm của UBND quận, huyện là tổ chức rà soát, đảm bảo chỉ giới đường sông, suối, kênh, rạch thuộc địa bàn quản lý; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà, kè bao… phá vỡ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Nhưng khách quan mà nói địa phương không có nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Công việc xử lý vi phạm thường được giao cho Thanh tra Xây dựng cơ sở, trong khi lực lượng này chưa đủ chuyên nghiệp, không có phương tiện tuần tra, không nắm chắc văn bản pháp luật liên quan… nên rất lúng túng trong xử lý các vi phạm này.
Tôi cho rằng thời gian tới cần phải làm tốt công tác quản lý hành lang kênh, rạch, xử phạt mạnh tay hơn nữa các trường hợp vi phạm mới đủ sức răng đe. Theo đó các địa phương cần mạnh dạn xây dựng kinh phí, tổ chức bộ máy, phương tiện để nâng cao hiệu quả xử lý.
Bởi nếu quản lý lỏng lẻo, không bao lâu nữa quỹ đất này sẽ teo tóp dần, đến lúc Nhà nước thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ nhân dân sẽ tốn rất nhiều ngân sách cho khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Bài học này có thể rút ra từ các dự án triển khai tại sông Sài Gòn, rạch Ụ Cây, kênh Thanh Đa, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
- Xin cảm ơn ông.