Dù bị Sở GT-VT TP.HCM “điểm mặt chỉ tên” nhưng vỉa hè của các tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều cạnh Bệnh viện Chợ Rẫy; Lý Thường Kiệt, Bà Triệu cạnh Bệnh viện Hùng Vương; Đặng Thái Thân cạnh Bệnh viện Đại học Y dược...vẫn nguyên tình trạng kinh doanh, trông giữ xe.
Hầu hết các vỉa hè đều bị chiếm dụng gần như toàn bộ và diễn ra từ lâu. Thậm chí có những đoạn vỉa hè bị các bãi giữ xe dựng hàng rào sắt cao khoảng 1,5m, bít kín hoặc chỉ chừa một lối đi bộ rất nhỏ. Việc này gây nguy hiểm cho người đi bộ nếu đi xuống lòng đường, giữa dòng xe cộ đông đúc.
Anh Hoàng Duy (ở Bình Phước) đưa người thân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy bức xúc nói: “Đi giữa lòng đường thế này tôi cũng sợ lắm, sợ xe cộ. Mà lối đi trên vỉa hè thì nhỏ quá, người đi đường thì đông. Đi chen chúc thì cũng sợ bị móc túi, cướp giật. Mong sao có vỉa hè thông thoáng hơn, sạch sẽ hơn chứ thế này thì nhếch nhác quá”.
Ghi nhận trong hai ngày 24 và 25/5, những hàng rào dựng lên để làm điểm giữ xe vẫn còn nguyên tại các địa điểm trên. Riêng khu vực vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy có đội ngũ công nhân đang cắt, hàng lớp hàng rào như đang hoàn trả vỉa hè nhưng không phải vậy.
Ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12, Quận 5 cho biết, địa phương mới chỉ cắt hạ độ cao hàng rào chứ chưa có kế hoạch tháo dỡ hay nới rộng lối đi bộ: “Chúng tôi đang trong quá trình điều chỉnh lại mỹ quan vỉa hè. Trước đây, hàng rào cao giờ hạ thấp xuống, điều chỉnh lại lối đi bộ để mỹ quan chung đẹp. Còn việc tháo dỡ hàng rào hoàn toàn để trả lại vỉa hè thì phải chờ kết luận của Quận”.
Còn với các bệnh viện, nhiều nơi xem các bãi giữ xe xung quanh không liên quan đến đơn vị mình. Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết, việc xử lý vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đúng là thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tuy nhiên ông Hưng không đồng tình với phát ngôn của đại diện một số bệnh viện khi cho rằng vỉa hè xung quanh các bệnh viện bị chiếm dụng không liên quan đến đơn vị của mình.
Ông Võ Khánh Hưng nói: “Nếu như thấy tình hình ngay trước cổng bệnh viện, trường học của mình phức tạp quá thì các đơn vị hoàn toàn có thể đề nghị với chính quyền địa phương hay Sở ngành để xem xét và có hướng xử lý, khắc phục vấn đề đó. Còn các đơn vị nói là không có trách nhiệm và không liên quan gì thì tôi nghĩ không hẳn mà vẫn phải có ở mức độ nào đó”.
Cũng theo ông Hưng, đã hơn một tuần tính từ khi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ra văn bản trên nhưng đến nay Sở này vẫn chưa nhận được sự phản hồi của các địa phương, đơn vị. Tinh thần của công văn là tất cả những gì tạo ra chướng ngại vật cho người đi bộ thì phải được tháo dỡ, ngoại trừ những vỉa hè đủ rộng thì có có thể sửa dụng sau khi đã chừa ra 1,5m bề rộng làm lối đi bộ.
Ngoài các địa điểm trên, trong văn bản yêu cầu tăng cường xử lý các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng chỉ rõ nhiều điểm giữ xe xung quanh các bệnh viện khác như: đường Tú Xương gần Bệnh viện Mắt TP.HCM; đường Trần Hưng Đạo cạnh Bệnh viện Răng Hàm Mặt; đường Trần Phú, đường An Bình cạnh Bệnh viện An Bình; đường Dương Quang Trung, Sư Vạn Hạnh cạnh Bệnh viện Nhân dân 115....