Hơn nửa tháng lùm xùm về việc đăng ký thành lập công ty với vốn điều lệ “khủng” 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD), ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) đã tổ chức buổi “họp báo” trực tuyến công bố thông tin về công ty của mình.
Xuất hiện trong căn phòng không "sang xịn", sáng sủa, CEO công ty có vốn điều lệ 500.000 tỷ Nguyễn Vũ Quốc Anh cho hay GAB Group (Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu) của ông chuyên sản xuất phần mềm, phân phối phần mềm cho Việt Nam và thế giới. Mục tiêu chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hộ kinh doanh cá thể để chuyển đổi số.
Bất ngờ công ty 10.000 nhân viên, chi phí vận hành chỉ 200 triệu/tháng?
“Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi cho ra 1.000 sản phẩm, hiện đã có 100 sản phẩm đầu tay sau chưa đến 1 tháng vận hành”, CEO siêu công ty này nói.
Các doanh nghiệp công nghệ thường bị gán cho mác “đốt tiền”, nhưng ông nói mô hình công nghệ của mình khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Ngay cả khi gọi vốn, CEO này nói các doanh nghiệp có sản phẩm nhỏ nhưng đã huy động được hàng triệu USD thì ông tự tin sẽ huy động được hơn con số 500.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã có 100 sản phẩm, rất nhanh và khủng. Thứ hai là chi phí vận hành, phải đầu tư lớn, nhất là đội IT. Khi nuôi IT chỉ cần hơn chục người, đã hơn trăm triệu, chưa kể phần mềm lớn. Chi phí vận hành của chúng tôi từ giờ đến 10.000 nhân viên mỗi tháng cũng không quá 200 triệu, tôi cam kết”. Ông Quốc Anh nói và cho rằng tổng chi phí này còn thấp hơn những tập đoàn lớn trả lương cho giám đốc một chi nhánh.
Vị này còn nói sản phẩm của công ty mình thực tiễn. Ước tính từ nay đến 3 năm tới, có 100.000 sản phẩm để phân phối ra thị trường.
“Đó là lý do vì sao tôi nói tập đoàn khủng. Tôi có rổ 100.000 sản phẩm ứng dụng so với 1 công ty có chỉ 1 sản phẩm, thì khách hàng sẽ ưu tiên chúng tôi. 21,7 tỷ USD là có sở sở, thậm chí còn hơn nữa chứ tôi không tâng bốc hay PR bản thân”, ông này trả lời báo chí.
Khách hàng tự tìm đến
nhà sáng lập "siêu công ty" này nói cách tiếp cận khách hàng cũng sẽ khác, không đi theo hướng truyền thống là chào từng khách hàng, doanh nghiệp.
“GAB Group nếu làm như vậy là không thể nhân bản 5.0, và cũng không bao giờ dám đưa ra con số 21,7 tỷ USD vốn điều lệ. Cái mà bên tôi làm giống như là cá nằm trong lưới rồi. Dù chưa hoàn thành nhưng tôi dám chắc đã có 2 triệu khách hàng”, ông Quốc Anh nói.
Giải thích thêm, ông nói công ty không cần tìm khách mà tự khách hàng tìm đến. “Dĩ nhiên khách hàng là thượng đế, bản thân chúng tôi đưa ra rất nhiều sản phẩm ứng dụng giúp cho họ thì không lý do gì họ từ chối”.
Theo ông, chi phí công ty lấy từ khách hàng rất thấp, gần như tặng luôn chứ không lấy tiền. Chẳng hạn, sản phẩm chạy quảng cáo mạng xã hội hiện nay phải tốn phí cao, nhưng chưa biết hiệu quả ra sao, công ty của ông sẽ xử lý mọi chuyện với giá 39.000 đồng/tháng. Mức giá này là để giúp doanh nghiệp, mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
“3 quốc gia công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Họ có đột phá lớn, chúng tôi cũng định hướng khai thác thị trường của các nước này, mang công ăn việc làm, mang tiền về cho Việt Nam”, ông nói.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn chưa xúc tiến 3 thị trường này. Tổng giám đốc này nói dự tính cuối tháng 6 sẽ tiếp cận Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, ngay lập tức mang về 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm.
“Mọi người sẽ nghĩ khủng, nhưng tôi nghĩ mỗi người có tầm khác nhau. Tôi cho rằng chả là gì, nếu như tôi có lượng khách hàng rất lớn, sản phẩm rất lớn”, ông nói và khẳng định doanh nghiệp của mình không phải startup, mà có tầm vóc lớn hơn.
Tiếp tục say sưa với kế hoạch doanh thu, vị này nói năm 2022, ước tính GAB Group mang về 1 tỷ USD. Đến hết năm sau sẽ đi được 250 quốc gia, có được số lượng lớn khách hàng từ nước ngoài.
“Các doanh nghiệp đi nước ngoài phải đầu tư nghìn tỷ, tôi đầu tư cao lắm 100 triệu, tốn vài nhân viên có thể lấy được thị trường. Họ đi 10 quốc gia hết 10.000 tỷ để vận hành, chi nhánh, marketing, phát triển khó lắm, làm sao bứt phá được. Tôi không đi như vậy”, ông nói.
Mục tiêu 2023-2025, GAB Group cố gắng mang về 30 tỷ USD. Năm 2025-2027 là 50 tỷ USD. Ông còn nói năm 2025, tập đoàn sẽ xây trung tâm kinh doanh tự động nhân bản toàn cầu tại Việt Nam. Thuận lợi sẽ xây dựng 17 tòa nhà đại diện 17 công ty thành viên, vốn khoảng 30 tỷ USD.
Dù tuyên bố mạnh mẽ là công ty công nghệ toàn cầu, nhưng ông Tổng giám đốc này lại thừa nhận website công ty chưa hoàn tất 100%.
“Tôi nói như vậy không phải là nổ. Con số chúng tôi đăng ký, người ta không làm công nghệ, không hiểu thị trường, khách hàng… người ta đánh giá tôi. Còn ông lớn xem qua thì sẽ hiểu”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 20-5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký thành lập Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 21,7 tỷ USD. Ông góp vốn 499.998 tỷ đồng, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Auto Investment Group.
Đáng chú ý, ông này còn là CEO của 4 công ty khác cũng vừa đăng ký thành lập trong tháng 4 và tháng 5-2021, trong đó có GAB Group (Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu) có vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng.
Việc đăng ký vốn điều lệ “khủng” đã từng xảy ra vào năm ngoái. Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được đăng ký thành lập ở Hà Nội, với vốn lên tới 144.000 tỷ đồng. Ddư luận cũng xôn xao và các cá nhân góp vốn cho biết đã... đăng ký lộn.