Vốn ảo do lỗ hổng của Luật

(ĐTTCO) - Có không ít doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ như là một sự "lòe" thiên hạ, thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính. Tuy nhiên, luật pháp không quy định việc đăng ký vốn điều lệ sẽ bị giới hạn bởi một con số tối đa.

Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ được giải thích là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp, hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán, hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp có thể chỉ là cam kết góp. Chính vì thế, việc đăng ký vốn điều lệ không bị giới hạn với một con số tối đa là bao nhiêu. Bởi nó tùy thuộc vào khả năng góp vốn của những người muốn thành lập doanh nghiệp.

Vốn ảo do lỗ hổng của Luật ảnh 1 LS Lê Trung Phát: Có không ít doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký vốn điều lệ như là một sự "lòe" thiên hạ, thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ.
Vì sao có hiện tượng DN đăng ký vốn ảo?
Thông thường, vốn điều lệ của một doanh nghiệp là một phần củng cố uy tín và niềm tin của đối tác. Vì thế, số vốn điều lệ lớn sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng ký kết hợp đồng, và có chỗ đứng trên thương trường. Tất nhiên, có một số doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ không lớn, nhưng trong quá trình hoạt động, họ có lợi nhuận cao và sở hữu nhiều tài sản khác, lúc này tài sản của doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ.

Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có năng lực tài chính thực nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ, vì đã đăng ký vốn ảo.

Trong một số lĩnh vực, bắt buộc doanh nghiệp muốn hoạt động, phải có vốn pháp định đúng với quy định (ngân hàng, công ty tài chính...), và một số hoạt động đầu tư cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh nguồn vốn tự có, để thực hiện các dự án, ký quỹ... Chính vì thế mà nhu cầu đăng ký vốn điều lệ cũng phát sinh từ đó.

Ngoài những vấn đề nêu trên, hiện nay vốn điều lệ chỉ là cơ sở để cơ quan thuế tiến hành thu thuế môn bài, theo quy định tại Nghị định 139/2016 và Thông tư 302/2016. Theo đó, đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, thì một năm phải đóng thuế môn bài là 2 triệu đồng, trên 10 tỷ đồng thì đóng 3 triệu.

 Tại các Điều 47 (đối với công ty TNHH hai thành viên), Điều 75 (đối với công ty TNHH một thành viên), Điều 113 (đối với công ty cổ phần) đều có một quy định chung liên quan đến việc góp vốn.

Theo đó, các thành viên/cổ đông phải thực hiện việc góp vốn/thanh toán trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Riêng với công ty cổ phần thì cho phép điều lệ hoặc hợp đồng mua cổ phần có thể thỏa thuận thời gian ngắn hơn. Nếu quá thời hạn 90 ngày nêu trên mà việc góp vốn/thanh toán cổ phần không đủ với số vốn điều lệ đã đăng ký, thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn đã góp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Hiện nay, chưa có quy định về việc phạt đối với thành viên không góp đủ vốn như đã cam kết. Bởi trong thời hạn nêu trên, nếu thành viên không góp hoặc góp không đủ thì tùy vào từng mô hình của doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên, TNHH hai thành viên, cổ phần) và đã có các điều luật tương ứng để xử lý phần vốn này (mất tư cách thành viên, công ty mua lại phần vốn góp....).

Chúng ta chỉ có cơ chế xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh, khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.

Theo đó, hành vi này bị phạt 10-20 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016. Và doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bằng việc buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016.

Vốn ảo do lỗ hổng của Luật ảnh 2 Một DN chưa có tên tuổi trên thị trường đang gây sốc với vốn điều lệ đăng ký lên đến 500.000 tỷ đồng và các thành viên cam kết là việc thật, vốn thật?
Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định liên quan đến việc thẩm định phần vốn điều lệ trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định này là hoàn toàn phù hợp. Bởi phần vốn điều lệ là do các nhà đầu tư quyết định, liên quan đến khả năng góp vốn, mô hình hoạt động, ngành nghề kinh doanh và họ chịu trách nhiệm trong trường hợp thua lỗ đối với phần sở hữu vốn của mình.
Không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký vốn điều lệ, như một sự "lòe" thiên hạ

Thông thường, để thành lập một doanh nghiệp, các thành viên sáng lập thường ngồi với nhau bàn bạc, để xây dựng điều lệ công ty hoặc thống nhất với nhau rất nhiều thứ (số vốn góp, cơ cấu tổ chức hoạt động, nhiệm vụ và vị trí của các thành viên...). Việc quyết định lựa chọn số vốn điều lệ cũng đã có sự cân nhắc, nhằm đảm bảo được khả năng góp vốn của các bên.

Nói như vậy, không có nghĩa là tất cả các sáng lập viên công ty đều làm điều đó, mà cũng có không ít doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như là một sự "lòe" thiên hạ, thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ.

Họ cũng không thực hiện việc giảm vốn điều lệ theo các quy định nếu không góp đủ. Hoặc, họ cũng không ý thức được trách nhiệm của mình trong trường hợp công ty thua lỗ, họ phải chịu trách nhiệm trên số vốn đang sở hữu trong công ty, dẫn đến khá nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ ảo.

Do đó, cần nâng cao công tác giám sát việc doanh nghiệp có thực hiện việc góp vốn theo vốn điều lệ đã đăng ký hay không, doanh nghiệp có thực hiện thủ tục giảm vốn nếu không góp đủ hay không, để sớm phát hiện các vi phạm. Đồng thời, đưa các doanh nghiệp quay lại trạng thái vốn thực tế của mình.

Và để làm được tốt việc quản lý, bên cạnh khâu giám sát, cũng cần nâng mức phạt vi phạm hành chính lên, không phạt ở mức 10-20 triệu như hiện nay. Cơ quan chuyên môn cũng cần giải thích cho các chủ doanh nghiệp biết lúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Để chứng minh các thành viên chưa góp đủ vốn, đồng nghĩa với việc chứng minh hồ sơ sổ sách, điều kiện thực tế của doanh nghiệp là phù hợp với việc chưa góp đủ vốn.

Vì thế, các thành viên sáng lập nên thực hiện việc góp vốn từ từ, để vừa đảm bảo đúng khả năng góp vốn của mình, đảm bảo doanh nghiệp không bị xử phạt do vi phạm thủ tục giảm vốn, hay là những doanh nghiệp có vốn ảo.

Việc giảm vốn điều lệ của công ty xuất phát từ 2 khía cạnh sau. Một là, không góp đủ vốn theo quy định về việc góp vốn. Đối với việc này, phần lớn các doanh nghiệp không thực hiện việc giảm vốn theo luật định, các kế toán của công ty cũng báo cáo sổ sách kế toán trong công ty, bằng việc dòng tiền mặt trong công ty là đủ với số vốn đăng ký. Trong khi tài khoản công ty không có tiền, công ty không sở hữu tài sản nào khác.

Như vậy, về nguyên tắc có thể hiểu rằng, doanh nghiệp đã có đủ vốn điều lệ để hoạt động chứ không phải là chưa góp đủ vốn.

Các tin khác