Làn gió mới từ phim hình sự Việt

(ĐTTCO) - Không đi vào lối mòn là bài toán khó với các ê kíp thực hiện dòng phim hình sự. Nhưng trong thử thách đó, nhiều đoàn phim vẫn tìm ra hướng đi mới, tiếp tục khẳng định vị thế của dòng phim luôn có vị trí đặc biệt với khán giả.

 Cơn sốt trở lại

Ra mắt trung tuần tháng 10 vừa qua, phim Mặt nạ gương (đạo diễn Bùi Quốc Việt) lập tức leo thẳng lên vị trí số 1 trong tốp 10 chương trình truyền hình tháng 10-2021 (số liệu do Kantar Media Việt Nam cập nhật dựa trên đo lường tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ). Tính riêng khu vực miền Bắc, rating phim đạt 7%.

Đặc biệt, tính đến hết tháng 10, phim cũng đứng số 1 trong tốp 10 phim truyền hình Việt Nam năm 2021, vượt qua nhiều bộ phim đình đám của năm như: 11 tháng 5 ngày, Mùa hoa tìm lại, Hương vị tình thân…

Khi được hỏi về vị trí của dòng phim hình sự so với các thể loại khác, đạo diễn Bùi Quốc Việt chia sẻ: “Mỗi thể loại phim là một món ăn với khán giả, có người thích người không. Nhưng tôi nghĩ phim hình sự là một phần không thể thiếu đối với phim truyền hình hiện nay”.

Còn đạo diễn Trần Đức Long, người từng gây chú ý với phim tâm lý - hình sự Kẻ sát nhân cô độc, cho biết: “Hiện nay, thể loại phim hình sự vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả bởi câu chuyện luôn hấp dẫn, bất ngờ, những pha hành động rượt đuổi, võ thuật mãn nhãn…”.

Không hẹn mà gặp, giờ vàng trên màn ảnh nhỏ hiện nay có 3 bộ phim hình sự đang lên sóng. Trong đó, phim Mặt nạ gương (21 giờ 30 thứ năm, thứ sáu hàng tuần trên VTV3) nằm trong series Cảnh sát hình sự là câu chuyện về hành trình của Hoa - một nữ nhà văn dòng trinh thám - đang đi tìm thêm chất liệu cho phần tiếp theo của bộ truyện trinh thám của mình.

Làn gió mới từ phim hình sự Việt ảnh 1Phim "Mặt nạ gương" đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Ảnh: ĐPCC

Sau khi góp phần tìm ra hung thủ vụ án mạng tại một thẩm mỹ viện, cô bước vào hành trình tìm kiếm sự thật về cái chết của mẹ với nhiều góc khuất. Phim Mẹ trùm (Nguyễn Hồng Chi, 19 giờ 33 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên HTV7) xoay quanh cuộc sống của vợ chồng bà Cẩm - trùm bảo kê ở các chợ đầu mối kiêm nghề đòi nợ thuê.

Trong khi đó, Phố trong làng (đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền, 21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên VTV1) là bức tranh về đời sống nông thôn miền Bắc hiện đại kể từ khi đón trưởng công an xã mới về công tác.

Giải mã

“Thông thường, khi nói đến phim hình sự, khán giả sẽ nghĩ ngay đến các pha hành động, các phe phái băng nhóm trong thế giới ngầm, quá trình phá án của lực lượng công an… Cho nên khi triển khai viết kịch bản, nhằm tránh đi vào lối mòn hay na ná bộ phim nào đó, chúng tôi chọn lối đi riêng cho Mẹ trùm. Phim không khai thác chi tiết các tình huống mang đậm yếu tố chết chóc. Thay vào đó, Mẹ trùm xoáy sâu vào tận đáy góc khuất trong từng nhân vật”, đạo diễn Nguyễn Hồng Chi chia sẻ về những đổi mới khi thực hiện bộ phim.

Thực tế, các phim hình sự đã và mới lên sóng đều có những nét tươi mới trong câu chuyện, cách kể. Mặt nạ gương bên cạnh chất điều tra phá án đậm đặc còn thể hiện một hành trình đầy sự giằng co, đấu tranh giữa lý trí và cảm xúc để tìm ra bí mật, kẻ đứng sau mọi chuyện.

Phim cũng đề cập đến lĩnh vực được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây: trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cùng những hệ lụy của nó. Phố trong làng không tập trung vào những vụ án hình sự mà đi vào những câu chuyện gần gũi, đời thường: xung đột gia đình, lục đục nội bộ của dòng tộc, âm mưu chiếm đất…

Trong bối cảnh chung, kinh phí luôn là thách thức lớn với các nhà làm phim. Đạo diễn Nguyễn Hồng Chi phân tích: “Bạn muốn khán giả tin câu chuyện là thật thì phải cho họ thấy từ trang phục, đạo cụ, bối cảnh… thay vì cố làm giả thật chuyên nghiệp để đánh lừa người xem. Trong quá trình tính toán kinh phí, nhiều cảnh hành động gay cấn phải bỏ vì không đủ tiền và thời gian để làm”.

Đó là lý do với Mẹ trùm, anh chỉ hài lòng 70%. May mắn có trong tay một ý tưởng lạ và cộng tác cùng một biên kịch giỏi, nhưng khi tính toán kinh phí, đạo diễn Trần Đức Long cũng rất đau đầu.

“Tôi và đoàn phim phải tính toán khá cẩn trọng, sửa lại những cảnh hành động; dùng mọi mối quan hệ để giảm bớt chi phí về bối cảnh, đạo cụ, phục trang…; nhờ các đơn vị công an giúp đỡ, hỗ trợ để phim hoàn thành được tốt nhất trong gói kinh phí mình có”, anh chia sẻ.

Còn với đạo diễn Bùi Quốc Việt, áp lực lớn nhất khi quay lại dòng phim cảnh sát hình sự là tìm cách thể hiện để có thể lôi cuốn khán giả, để họ quan tâm câu chuyện mình muốn truyền tải. Anh tâm sự: “Mặt nạ gương cũng không nằm ngoài việc đó. Thậm chí còn khó khăn hơn nhiều lần vì phải thực hiện trong mùa dịch”.

Vượt lên tất cả những khó khăn, đạo diễn Trần Đức Long cho rằng: “Tôi vẫn tin khán giả không bao giờ quay lưng với phim, chỉ là họ chọn lựa phim hay để thưởng thức. Và riêng tôi, nếu mình làm phim chưa hay là đang có lỗi với khán giả”.

Các tin khác