(ĐTTCO) - Theo hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), kết quả khảo sát nhanh 100 DN bằng hình thức online trong đợt dịch lần thứ 4 này, có đến 84% DN nhỏ và vừa cho biết gặp khó khăn. Trong đó, 40% DN thiếu vốn kinh doanh; đến 80% cho biết thị trường bị ảnh hưởng, phải thu hẹp hoạt động. Có 52% DN phải cắt giảm lao động.
Áp lực lớn nhất hiện nay của DN là thiếu vốn
Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp (DN) sáng nay, 10-6, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết DN đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng. Chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Theo ông Dũng, nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán online… nhưng đều đang kẹt về vốn.
Cũng nói về những khó khăn này, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TPHCM (FFA), Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh khiến DN trong ngành đã khó vì Covid 19, nay càng khó hơn.
Theo ông Hiến, các DN đang như đứng trên đống lửa vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tăng cao.
Đại diện FFA đưa nhiều kiến nghị với lãnh đạo TPHCM, mong gỡ khó cho DN. Một trong những kiến nghị quan trọng là mong muốn ngân hàng nhà nước sớm bổ sung các DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ về miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...
Song song đó, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% với những DN đang làm ăn có uy tín. Điều này giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở tăng dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nói về hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, ông Chu Tiến Dũng cho biết thêm, các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét, mức độ hấp thụ của DN rất thấp.
Theo ông Dũng, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo Nghị định 52, khắc phục các rào cản của các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Song song đó, ngân hàng xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh.
HUBA cũng đề nghị lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể.
Hơn 42.500 công nhân mất việc, ngừng việc
Áp lực mất việc đè nặng lên người lao động trước khó khăn dịch bệnh. Hơn 42.500 công nhân TPHCM đã mất việc hoặc ngừng việc từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa
Theo số liệu theo dõi của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), từ đầu năm đến nay, TPHCM có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc.
Có 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân.
Đáng chú ý, 2.274 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ) và 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố đang cơ bản kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4, nhưng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Kinh tế thành phố và cộng đồng DN bị ảnh hưởng nặng nề.
"Sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự phát triển của DN. Khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi DN gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn thành phố không thể đứng ngoài cuộc", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Với cuộc họp này, thành phố lắng nghe DN hiến kế, để đồng hành, cùng vượt qua khó khăn. TPHCM sẽ thảo luận về chính sách giảm thuế, nợ, chi phí, chăm lo đời sống cho người lao động...
Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN, TPHCM dự kiến kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; kiến nghị chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm.
Về tài chính, TPHCM sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với DN du lịch 2021. Đồng thời xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.
TP sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của DN trong 2 năm.