Lan tỏa tinh thần sẻ chia vì cộng đồng

(ĐTTCO) - Hôm nay 19-5, Thành ủy TPHCM tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tuyên dương 302 gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cá nhân, tập thể được tuyên dương đều thấm nhuần lời dạy của Bác và có hành động thiết thực cho cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (bìa phải) cùng phụ nữ khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) nấu bữa ăn 0 đồng tặng người khó khăn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (bìa phải) cùng phụ nữ khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) nấu bữa ăn 0 đồng tặng người khó khăn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Miệt mài làm thiện nguyện

Hơn 5 giờ sáng ngày 17-5, nhiều cô, dì trong khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã tập trung tại số nhà 153/2 Nguyễn Thị Minh Khai, người thì nổi lửa bếp canh, người vo gạo nấu cơm, người gọt rau củ. Trong ngày, “Bếp yêu thương” của nhóm nấu 200 suất cơm 0 đồng tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng Ban điều hành khu phố 6, người triển khai chương trình “Bếp yêu thương”, cho biết, từ chiều hôm trước, mọi người đã phân công người đi chợ mua nguyên liệu, người sơ chế rau củ, chuẩn bị hộp đựng. Mỗi tháng bếp nổi lửa 1 lần, không chỉ phát cơm tại hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, các thành viên còn mang những phần cơm nóng hổi đến nhà các cụ già neo đơn, người bệnh.

Bà Cẩm đã gần 70 tuổi, nhưng không “mặt trận” nào vắng mặt bà. Từ lo chuyện cơm nước cho người già neo đơn, người bệnh, đến lo học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tuyên truyền người dân chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Những ngày này, bà cùng phụ nữ khu phố 6 tất bật chuẩn bị cho việc ra mắt công trình phát động phong trào vườn rau thuốc nam tại hẻm 25 Tôn Thất Tùng, vừa tạo mảng xanh vừa có thêm dược liệu để sử dụng khi cần. “Bác Hồ từng dạy, chỉ có đoàn kết cùng nhau thì mới làm nên sức mạnh và thành công. Do đó, mọi hoạt động ở khu phố, tôi đều vận động phụ nữ, người dân cùng thực hiện, giúp tăng tình làng nghĩa xóm, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Cẩm bày tỏ.

Từng là bác sĩ, bà Lê Thanh Nga (hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thanh Nga, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) hiểu được khó khăn, vất vả của người bệnh từ các tỉnh về TPHCM khám, chữa bệnh. Năm 2022, bà Nga vận động người thân trong gia đình xây nhà lưu trú để hỗ trợ nơi ở miễn phí cho người bệnh. Lưu lại nhà lưu trú hơn 1 tuần nay để chữa bệnh, vợ chồng ông Trần Hoàng Thanh (ngụ tỉnh Bình Thuận) thấy ấm lòng khi được hỗ trợ xe đi lại, các ngày thứ 3, 5, 7 được nhận suất cơm miễn phí. Nhờ đó, ông Thanh đỡ lo về phần chi phí mà tập trung điều trị bệnh.

Ngoài hỗ trợ chỗ ở, bà Nga còn phụ trách bếp ăn - nơi hàng tuần chăm lo hơn 2.500 suất ăn miễn phí cho sinh viên nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bà Nga duy trì phòng thuốc nam 0 đồng để giúp người bệnh trong hoàn cảnh “3 không”: không thu nhập, không BHYT, không có khả năng mua thuốc. Chia sẻ về những việc bản thân và gia đình làm, bà Nga nói rằng muốn góp sức chăm lo người khó khăn, như tinh thần sẻ chia mà Bác Hồ lúc sinh thời thường nhắc nhở.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị trên địa bàn TPHCM, công tác tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố được triển khai sâu, rộng với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. TPHCM cũng chú trọng đưa việc học và làm theo Bác vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề người dân bức xúc, vấn đề nổi cộm của địa phương, đơn vị. Đến nay, thành phố có thêm nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo được triển khai ở cơ sở.

Làm tốt hơn công việc của mình

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, ở mỗi ngành nghề, mỗi vị trí công tác, từng giới, từng ngành, có rất nhiều việc làm được cụ thể hóa từ việc học và làm theo Bác. Tại Công an TPHCM, Ban Thường vụ Hội phụ nữ Công an TPHCM tập trung nâng chất các công trình, phần việc học tập và làm theo Bác của cơ sở hội, của cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Công an toàn thành phố. Các công trình, phần việc tập trung vào yếu tố thiết thực, hiệu quả, mang tính lan tỏa, nhân rộng. Bằng sự thấu cảm và trách nhiệm, Phụ nữ Công an TPHCM có nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, hội xây dựng mô hình “Trao sinh kế cho phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “Chăm lo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Với số lượng người làm nông nghiệp đông đảo, các địa phương, đơn vị của huyện Củ Chi luôn nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo. Điển hình, Hội Nông dân xã An Nhơn Tây đã vận động các thành viên tham gia đóng góp, trao tặng sổ tiết kiệm, tặng con giống, đào tạo nghề cho hội viên.

“Tập thể cán bộ viên chức Cảng vụ đường thủy nội địa nói “không” với tiêu cực trong công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa”; “Toàn thể cán bộ viên chức, đảng viên, đoàn viên của Cảng vụ đường thủy nội địa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phương châm hành động “Trách nhiệm hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa” là những khẩu hiệu được Đảng bộ Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM (thuộc Đảng bộ Sở GTVT TPHCM) quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, người lao động.

Theo đại diện Đảng bộ Cảng vụ đường thủy nội địa TPHCM, do là đơn vị có nhiều vị trí dễ phát sinh tiêu cực nên đơn vị luôn nêu cao tinh thần học và làm theo Bác để mỗi cá nhân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, giữ vững bản lĩnh, lập trường của mình, góp phần xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí TRẦN KIM YẾN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Toàn xã hội hưởng ứng chăm lo người khó khăn

Thời gian qua, các hoạt động chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Riêng năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” thành phố nhận được ủng hộ 310 tỷ đồng và chi hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 96 căn nhà tình nghĩa, xây dựng và sửa chữa 961 căn nhà tình thương; trao tặng 16.831 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 322 phương tiện sinh kế đến hộ nghèo; trợ cấp khó khăn thường xuyên cho 6.220 lượt hộ nghèo đặc biệt khó khăn…

Ngoài ra, nhiều gia đình đã trao tặng tiền phúng điếu từ đám tang người thân, hoặc có gia đình quyết định không tổ chức lễ cưới do dịch Covid-19, dành tặng 1,5 tỷ đồng để cùng hệ thống MTTQ thành phố tặng quà hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm việc làm. Cùng với đó, nhiều đơn vị, cá nhân tại địa phương có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm lo an sinh xã hội, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Qua đó, các mô hình, sáng kiến hay đã được đã nhân rộng, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Anh NGUYỄN TRƯƠNG ANH KIỆT, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCM), cá nhân được tuyên dương: Xứng đáng là thanh niên thành phố Bác

Đoàn thanh niên EVNHCM luôn đặt mục tiêu phát huy chuyên môn để xây dựng đô thị văn minh, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội. Nhiều công trình dân sinh được Đoàn thanh niên EVNHCM phát động, thực hiện, như công trình “Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm” đã bó gọn hệ thống lưới điện, cáp thông tin và lắp đèn chiếu sáng miễn phí tại 49 tuyến hẻm. Hay công trình “Nguồn sáng An toàn, văn minh, tiết kiệm vì an sinh xã hội” đã cải tạo, sửa chữa hệ thống điện cho 238 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Bác luôn dạy, thanh niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới. Trong bối cảnh TPHCM hướng đến xây dựng đô thị thông minh, chúng tôi luôn xác định vai trò của mình trong nhiệm vụ chung ấy để nỗ lực phát huy chuyên môn và đóng góp hiệu quả nhất.

Các tin khác