Lãng phí nguồn nhân lực (K3): Xương sống nền kinh tế

Ở các quốc gia phát triển, nguồn nhân lực (NNL) được xem là xương sống của nền kinh tế và là nền tảng quan trọng trong phát triển đất nước. Vì vậy, việc chăm lo, phát triển NNL là một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Ở các quốc gia phát triển, nguồn nhân lực (NNL) được xem là xương sống của nền kinh tế và là nền tảng quan trọng trong phát triển đất nước. Vì vậy, việc chăm lo, phát triển NNL là một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Lãng phí nguồn nhân lực (K1): Nghịch lý cung - cầu

Lãng phí nguồn nhân lực (K2): Phát triển và thu hút chất xám

Kinh nghiệm các nước

Nhiều năm trước khi thế chiến thứ 2 chấm dứt, người Nhật đã nhận thức rằng để nền kinh tế mau chóng hồi sinh sau chiến tranh nhất thiết phải có NNL cho công cuộc xây dựng lại đất nước. Nhận thức đúng dẫn đến hành động đúng. Không lâu sau chiến tranh kết thúc, Nhật Bản đã có một nền công nghiệp hùng mạnh, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Như vậy, chiến lược phát triển NNL là quá trình lâu dài và trường tồn. Để đào tạo NNL này, chính phủ Nhật Bản đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, đào tạo. Đây được xem là quốc sách hàng đầu và học sinh từ 6 tuổi đến 15 tuổi được miễn phí đến trường. Nhật Bản cũng xác định rằng đất nước rất nghèo tài nguyên nên cần phải phát huy năng lực của con người.

Động lực phát triển kinh tế thúc đẩy Singapore phải có NNL chất lượng cao. Vì vậy, tuy là một nước nhỏ, ít dân nhưng Singapore có mạng lưới dày đặc các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Trong đó có Trường Đại học Tổng hợp rất nổi tiếng với 52 ngành; Đại học Nanyang; Học viện Sư phạm quốc gia và Viện nghiên cứu Đông Nam Á được thành lập từ năm 1986 là những cơ quan có uy tín lớn trên thế giới.

Trong khi đó, ở châu Âu, NNL được điều tiết một cách chặt chẽ bởi hệ thống pháp luật. Người lao động được bình đẳng và được đối xử công bằng tại các cơ sở làm việc. Đây là động lực giúp người lao động luôn luôn phấn đấu tay nghề, từ đó chất lượng NNL luôn được nâng lên.

Tại Hoa Kỳ với nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhập cư đối với nhân lực chất lượng cao, đã thu hút được đội ngũ lao động tài giỏi từ nhiều nước châu Á và châu Phi. Trong chiến lược đào tạo NNL của Hoa Kỳ, ngoài nguồn kinh phí từ chính phủ, còn rất nhiều nguồn kinh phí khác nhau như các tập đoàn, công ty, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, từ thiện…

Từ những nguồn kinh phí rất dồi dào và ổn định, Hoa Kỳ xây dựng được cơ sở vật chất tốt, nguồn giảng viên giỏi cũng như quỹ hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo và sau khi đào tạo. Để có NNL chất lượng, Hoa Kỳ coi trọng môi trường sáng tạo, khuyến khích và phát triển nhân tài trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Do đó, các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đều muốn làm việc tại Hoa Kỳ. Minh chứng là năm nào Hoa Kỳ cũng có người đoạt giải thưởng Nobel.

Hàn Quốc, Singapore thành công nhanh chóng trong tiến trình công nghiệp hóa là do họ thu hút được đội ngũ trí thức lớn có khả năng tiếp thu và áp dụng thành công các kỹ năng mới và công nghệ tiên tiến. Điểm chung của các nước này là luôn nhận thức sâu sắc rằng muốn nâng cao mức sống, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ có một con đường là biến quốc gia mình thành một xã hội có học vấn cao.

Trong đó, Singapore là một điển hình. Ngay sau khi giành được độc lập, ông Lý Quang Diệu đã đề ra mục tiêu: Biến Singapore thành một “xã hội có học vấn cao”. Giáo dục chính là chìa khóa để nâng cao đời sống và là động lực để phát triển đất nước. Chính sách về giáo dục đã được chính phủ đề ra trên nhiều phương diện: Ưu tiên ngân sách, trường học mở rộng cửa cho tất cả mọi người có điều kiện học tập, đào tạo toàn diện kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật với nền văn hóa truyền thống. Các trường đại học công do nhà nước tài trợ kinh phí.

Các mô hình phát triển và sử dụng NNL

Bên cạnh những chính sách cấp quốc gia về phát triển, quản lý và sử dụng NNL do chính phủ triển khai, các công ty - nơi sử dụng NNL - cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và sử dụng NNL. Mô hình quản lý theo kiểu ủy thác trong các công ty đã làm tăng thêm số nhân công được đào tạo tốt, khơi dậy sự nhiệt tình và hết lòng vì công ty. Đồng thời, các công ty tại các nước phát triển còn cam kết bảo đảm việc làm, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, có vị trí xã hội thỏa đáng.

Điều này giúp người lao động an tâm làm việc. Để người lao động cống hiến hết năng lực của mình, không còn tâm lý làm thuê, nhiều công ty cho phép nhân công góp vốn, mua cổ phần và cam kết thực hiện các chế độ đền bù. Có thể nói, công thức quản trị được xem là chìa khóa kích thích phát triển nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất là công nhận giá trị sức lao động thông qua việc trả lương. Phần lớn các công ty của các nước công nghiệp phát triển tăng lương liên tục cho nhân công. Lương tăng tạo nên động cơ mới cho người lao động, khơi dậy động lực phấn đấu trong họ.

Các kỹ sư nhân giống lan Dendrobium bằng phương pháp cấy mô thực vật tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

  Các kỹ sư nhân giống lan Dendrobium bằng phương pháp cấy mô thực vật tại
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trong chiến lược phát triển NNL, giải pháp căn cơ hiện nay của Việt Nam là đổi mới triệt để giáo dục đại học theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó xây dựng và thực thi chính sách thu hút và trọng dụng NNL chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài; thành lập cơ quan quốc gia về phát triển NNL.

Ngoài ra, cần có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với đội ngũ khoa học - NNL chất lượng cao, nhất là NNL làm việc ở các cơ quan quản lý trọng yếu. Vấn đề cấp thiết là phát triển NNL chất lượng cao ở Việt Nam phải được xem là quá trình phát triển toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Trong đó, số lượng phải được gia tăng phù hợp, cơ cấu phải được chuyển dịch hợp lý và chất lượng phải được nâng cao thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành nền kinh tế tri thức, yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các tin khác