Sau rất nhiều cuộc họp của các cơ quan quản lý Bộ, ngành với các địa phương, doanh nghiệp, câu chuyện về những khó khăn do các qui định ngặt nghèo của các địa phương khiến lưu thông ách tắc, sản xuất đình trệ được rất nhiều DN, sở ngành phản ánh. Một điều dễ cảm nhận là nhiều lãnh đạo địa phương chỉ nhăm nhăm giữ địa bàn của mình “sạch bóng covid 19” là yên tâm còn không cần quan tâm DN ở đó hoạt động ra sao, khó khăn gì cần tháo gỡ.
Khi nguồn lực kinh tế đang dần suy kiệt thì cách chống dịch theo kiểu rào đường, rào phố không còn phù hợp. Chính phủ đã có chiến lược thay đổi quan trọng là phải chấp nhận và sống trong bối cảnh bình thường mới. Thế nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều những tiếng kêu than của doanh nghiệp, người dân về những ngáng trở trong sản xuất, kinh doanh vì bất cập trong chống dịch. Bức bối về cách làm khiến cho kinh tế đình trệ, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra tiêu chí mới cho các địa phương bằng những con số tăng trưởng kinh tế đi cùng với hiệu quả chống dịch.
Thiếu cái… nút chai doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động đói khổ
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty Nam Miền Trung cho biết tình trạng người nuôi thuỷ sản hiện nay: “Tôi trực tiếp tham gia sản xuất mỗi ngày thấy rất gian truân. Người dân bây giờ rất khổ, không thu hoạch, không tái sản xuất được. Điều này sẽ gây hệ luỵ kéo dài. Tình trạng phổ biến hiện nay là tôm không thu, không bán được; đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư”.
Hiện Nam Miền Trung mới thả được 20% diện tích tôm của công ty do thức ăn thiếu, con giống không đủ, các vật tư phục vụ nuôi trồng không có. Điều này báo hiệu cho những tháng tiếp theo sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu tôm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Anh, hiện nay hệ thống vận hành đang không khớp nhau. Dù DN có giải quyết được 3 tại chỗ thì muôn vàn đầu vào cũng không giải quyết được.
“Công ty chúng tôi có nhà máy 25 triệu lít mắm/năm, giải quyết hàng triệu tấn cá cho người dân, nhưng đến giờ tôi không thể thu mua được. Bởi, cần đưa mắm ra thị trường phải có nút chai, thế nhưng tôi không thể mua được nút chai đành phải đóng cửa nhà máy”.
Tập đoàn Minh Phú hiện có khoảng 13.000 công nhân nhưng do dịch bệnh phải làm việc 3 tại chỗ, giãn cách nên hiện chỉ có khoảng 24% trong số này đi làm. Nhiều đơn hàng đã đến hạn nhưng DN không thể trả cho khách vì không có người làm, nhà máy thì không hoạt động được hết công suất.
“Công nhân không đi làm không có lương, rất đói, rất khổ, khổ vô cùng! Bây giờ, cần có giải pháp cứu người công nhân. Sản xuất chỉ là một vấn đề, lo cuộc sống cho công nhân là vấn đề quan trọng hơn, vì người ta đói thì lại đi lung tung kiếm ăn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Cần có giải pháp để phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống cho người lao động. Không giải quyết được đời sống cho người lao động thì khó mà dập được dịch” – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang lo lắng.
Sợ chịu trách nhiệm?
Câu chuyện trách nhiệm được các chuyên gia mới đây đưa ra trong một cuộc bàn tròn về giải pháp để cứu ngành hàng không. TS Lương Hoài Nam cho rằng: Ngoài thiếu tiền, thiếu vốn thì việc sợ trách nhiệm trong quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp - những lo lắng như các hãng hàng không có thể không qua được khó khăn, có thể phá sản, việc thu hồi vốn sẽ như thế nào…
Ở nước ta, tâm lý đó cản trở nhiều quyết định, nhất là khi đặt trong bối cảnh xu hướng hồi tố còn nặng nề. Có thể quyết định ngày hôm nay là đúng, là hợp lý nhưng 5-10 năm sau nhìn lại, người ta lại bảo tại sao lại làm như thế, sao lại gây thiệt hại như thế...
“Không thể áp suy nghĩ điều kiện, hoàn cảnh của những năm sau để quy kết, xử lý trách nhiệm của giai đoạn cụ thể trước đó. Tôi nghĩ phải vượt qua được suy nghĩ này, từ đó sẽ có tiền, có cơ chế” – ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, chúng ta phải coi cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh, doanh nghiệp lâm bệnh cũng như con người lâm bệnh, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp sống và phát triển.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Muốn cứu vãn nền kinh tế phải phản ứng thật nhanh. Chúng ta phải vượt qua được một thứ đã trở thành mô thức không hay là: người không làm gì cả, không quyết đoán gì cả vẫn “túc tắc” lên chức; còn những người dám quyết đoán, dám giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, dám làm dám nghĩ thì có khi không được bảo vệ.
Chúng ta đã áp đặt chế độ trách nhiệm đối với những người dám làm, chúng ta phải áp đặt chế độ trách nhiệm đối với những người không làm gì cả. Không có chuyện không làm gì cả thì lại lên chức, hưởng hết.
Thêm nữa, cái gì cũng phải có thời hạn. Tức là không thể có những chuyện mà 10, 20 năm trước rồi, hoàn cảnh, bối cảnh đã khác, rồi không có thời hạn gì cả, “treo trên đầu” người ta như vậy thì rõ ràng là không ai dám quyết đoán cả.