Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 8/6 kêu gọi 30 thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và đấu tranh cho dân chủ giữa những thách thức từ Nga và Trung Quốc.
Ông Stoltenberg nói trong khi Nga tiếp tục phát triển các loại vũ khí mới, bao gồm một tên lửa tầm trung gần đây, thì "sự trỗi dậy của Trung Quốc về cơ bản đang làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu", và sự lây lan của virus corona đã làm gia tăng căng thẳng an ninh, theo EUobserver.
"(Sự trỗi dậy của Trung Quốc) làm gia tăng gấp nhiều lần mối đe dọa đối với các xã hội mở và tự do cá nhân, tăng cường sự cạnh tranh đối với các giá trị và lối sống của chúng ta", ông Stoltenberg nhấn mạnh trong một sự kiện trực tuyến hôm 8/6 từ trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh:nato.int. |
"NATO không xem Trung Quốc là kẻ thù hay đối thủ mới", ông nói. "Nhưng họ đã là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai (thế giới). Họ đang đầu tư mạnh vào năng lực quân sự hiện đại, bao gồm các tên lửa có thể vươn đến toàn bộ các nước NATO".
"Chúng ta đã thấy họ (Trung Quốc) ở Bắc Cực, ở châu Phi. Chúng ta thấy họ đầu tư vào cơ sơ hạ tầng thiết yếu của chúng ta. Và họ đang hợp tác chặt chẽ hơn với Nga. Tất cả những chuyện này đều có hệ quả an ninh cho các đồng minh NATO", ông nói thêm.
Trong bài phát biểu về tầm nhìn NATO năm 2030, ông Stoltenberg nói rằng tổ chức do Mỹ lãnh đạo phải trở nên chính trị hơn, đặc biệt là sau khi đại dịch virus corona cho thấy sự thiếu chuẩn bị ở nhiều quốc gia và những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống y tế của các nước này.
"Khi chúng ta nhìn về năm 2030, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước cùng chí hướng, như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, để bảo vệ các quy tắc và thể chế toàn cầu đã giúp chúng ta an toàn trong nhiều thập kỷ", ông Stoltenberg nói, theo AP.
Cựu thủ tướng Na Uy kêu gọi các thành viên NATO "hãy đứng lên vì một thế giới được xây dựng dựa trên tự do và dân chủ. Không phải dựa trên sự bắt nạt và ép buộc".
Tổng thống Donald Trump đã thường xuyên chỉ trích các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Canada vì những gì ông cho là chi tiêu quốc phòng không đủ. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua vì ông Trump đe dọa áp thuế đối với thép, nhôm hoặc ôtô châu Âu xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Trump cũng đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, tuyên bố sẽ ngừng đóng góp kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới, cáo buộc tổ chức này bị Trung Quốc kiểm soát và khiến thế giới hiểu sai về dịch bệnh đang xảy ra.
Ông Stoltenberg nói rằng "những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong thập kỷ tới lớn hơn những gì bất kỳ ai trong chúng ta có thể giải quyết một mình. Châu Âu hay Mỹ đều không thể tự mình giải quyết. Vì vậy, chúng ta phải chống lại sự cám dỗ của các giải pháp quốc gia".
Trong khi đó, người đứng đầu NATO cảnh báo, trục Nga - Trung mới đang rất "tích cực" trên mặt trận thông tin, nói hai nước này "cố chia rẽ chúng ta, hủy hoại niềm tin đối với các nước NATO".
"Chúng ta đều đã thấy các nỗ lực từ cả Nga và Trung Quốc nhằm đổ lỗi cho các đồng minh NATO về sự hiện diện của virus corona", ông nói. "Tôi tin sự thật sẽ chiến thắng".