Do phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, Lào đã phải chứng kiến giá cả của nhu yếu phẩm cơ bản, từ thực phẩm đến vận chuyển tăng vọt. Những người được trả lương bằng đồng kíp đang phải chịu đựng nhiều nhất, vì thu nhập của họ không theo kịp với giá cả.
Lạm phát của Lào đã đặt cô Somchit Phankham, một chủ trang trại vào tình thế khó. Công nhân của cô Somchit dựa vào nông trại để sống nay đã phải rời bỏ đất nước, tìm kiếm mức lương cao hơn ở quốc gia láng giềng là Thái Lan. “Tình trạng thiếu lao động khiến tôi không thể duy trì được hoạt động của trang trại. Tôi rất lo lắng nhưng tôi có thể làm gì khác” - Somchit nói với tờ South China Morning Post.
Một báo cáo phát hành trong tháng 4 vừa qua về Lào của Ngân hàng Thế giới (WB), số lượng người Lào đăng ký di cư sang Thái Lan đã tăng 15% từ tháng 6-2023 đến tháng 2-2024. Báo cáo cũng lưu ý người Lào đang chuyển từ các công việc dịch vụ sang các công việc trong nông nghiệp và sản xuất. Công nhân cũng đang chuyển từ công việc ăn lương sang làm việc tự doanh và kinh doanh gia đình. Thiếu hụt lao động đã xuất hiện ở một số ngành.
Tuy nhiên, ông Phouphet Kyophilavong, giáo sư đại học Quốc gia Lào cảnh báo, không nên phóng đại sự yếu kém của nền kinh tế nước này. Trong khi một số người Lào được trả lương bằng đồng kíp đang tìm kiếm các công việc có thu nhập cao hơn, thì thu nhập của nhiều người khác có thể tốt hơn. Những người ở Lào kinh doanh bằng các đồng tiền ổn định như USD hay baht Thái, nếu có tiết kiệm bằng các đồng tiền này, đương nhiên sống tốt hơn.
Cũng theo vị GS này, người Lào cũng sở hữu các tài sản khác như vàng và tự trồng thực phẩm để dùng, giúp giảm nhu cầu nhập khẩu nhu yếu phẩm cơ bản. Người Lào cũng đã học cách tự bảo vệ mình trước sự yếu kém của đồng kíp cùng sự tàn phá do lạm phát cao, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Theo báo cáo tháng 4 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo năm 2024, GDP của nước này dự kiến tăng 4% nhờ du khách quốc tế đến đây du lịch nhiều hơn; các khoản đầu tư nước ngoài cũng tăng. Ông Sonomi Tanaka, Giám đốc Quốc gia ADB cho biết, áp lực từ nợ không bền vững và lạm phát cao kéo dài, là nguyên nhân làm cho tốc độ phục hồi kinh tế tổng thể của Lào suy giảm.
Theo báo cáo tháng 4 của WB, nợ nước ngoài của Lào đã vượt quá 110% GDP. Nước này cũng đã trì hoãn, không thanh toán gần 2 tỷ USD từ nợ của Trung Quốc (năm 2020-2023).
Theo ông Jayant Menon, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, hầu hết khoản nợ đó nằm trong dự án đường sắt tốc độ cao Lào - Trung Quốc. Đây là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. “Lào đang trong bẫy nợ, vì cần vay để trả cho cả phần lãi suất trên khoản nợ của mình, và chỉ có thể phục hồi nếu có một mức độ xóa nợ nào đó” - ông Jayant Menon nhận định.
Ông Jayant Menon, cho biết Chính phủ Lào đã từ chối chương trình của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và chuyển qua nhờ Trung Quốc để giải quyết các vấn đề nợ và kinh tế vĩ mô của mình. Rất ít thông tin được công bố về các điều khoản của các cuộc đàm phán với Trung Quốc, vì vậy rất khó đánh giá liệu có đủ để khôi phục kinh tế hay không.
Nhưng theo GS. Phouphet, thực ra các khoản vay của Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư của Lào, thúc đẩy thương mại khoáng sản và du lịch thông qua đường sắt Lào - Trung Quốc. Con đường sắt này cũng đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Vientiane đến Luang Prabang, điểm du lịch hàng đầu của Lào, từ 8 tiếng xuống còn 2 tiếng.
GS. Phouphet nói thêm, “Chính phủ Lào cũng đang đàm phán với Trung Quốc và khoản nợ của Lào. Chúng tôi có tiềm năng cao từ du lịch. Chúng tôi cũng vay tiền để đầu tư vào các đập thủy điện và đường sắt, và thu nhập từ các tài sản này có thể được sử dụng để trả nợ”.