Lấp lánh vẻ đẹp thanh niên xung phong

(ĐTTCO) - Nhân dịp 45 năm thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) TPHCM (28-3-1976 – 28-3-2021), ấn phẩm “Một thời chân đất” đã được thực hiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ những cựu TNXP đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh ý nghĩa nhân văn ấy, “Một thời chân đất” còn chứng minh sự hiện diện của một thế hệ tuổi trẻ biết đem thanh xuân và tài hoa dâng hiến cho cộng đồng.
Lễ ra mắt “Một thời chân đất”.
Lễ ra mắt “Một thời chân đất”.
Ngày 28-3-1976, tại Sân vận động Thống Nhất TPHCM, những chàng trai và những cô gái trong màu áo xanh tình nguyện với nón tai bèo và đôi dép râu, đã làm lễ xuất quân lên đường xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Những gương mặt vừa rời ghế nhà trường, những đôi chân quen gót đô thị đã đến những vùng khó khăn nhất và gian nan nhất để thể hiện nhiệt huyết tuổi trẻ. Không chỉ lao động hăng say, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, lực lượng TNXP cũng đã dự phần một cách can trường. 
Những tài liệu thống kê có vẻ khô khốc, nhưng đọc lại vẫn khiến nhiều người phải xao xuyến: 10.000 lượt TNXP tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu; khai hoang, mở mới 4km đường, sửa chữa - chống lầy 1.283km đường, làm 86 cầu, 14 cống, xây dựng 20 ngầm qua suối, làm 3 bến phà, đào đắp 10.000m3 đất để kiến thiết công sự chiến đấu. TNXP đã vận chuyển 75.762 lượt thương binh, hiến 6.200cc máu cứu thương binh; vận chuyển pháo ra trận 44 lần, vận chuyển 262.105 tấn hàng hóa ra mặt trận; giúp chính quyền Campuchia ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh trật tự tại 42 thành phố, thị trấn, xây dựng và sửa chữa 18 trường học, bảo vệ 140 phum sóc, sửa chữa 512km đường giao thông và giúp định cư 25.000 dân tại các phum sóc…
Lấp lánh vẻ đẹp thanh niên xung phong ảnh 1
Thành tích của TNXP nếu lướt qua những con số cũng đủ để hiểu bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã góp vào sự nghiệp chung của dân tộc một thời nhọc nhằn. Nắng mưa nơi heo hút rừng thiêng nước độc có thể bào mòn thanh xuân nhưng không đánh quỵ được ý chí của họ. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng trái tim họ vẫn rộn ràng những lời ca tiếng hát. Từ lực lượng TNXP, một phong trào văn nghệ quần chúng xuất hiện, hình thành không ít nhân vật tên tuổi như các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức; nhà thơ Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên; nhạc sĩ Lã Văn Cường, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc…
Dấn thân vì lý tưởng, những TNXP đã có một cuộc đời khác, trong sáng và cao đẹp. Trong bài thơ “Đầu năm ra sông giặt áo”, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Chiếc áo bữa nay đứt cúc/ ngày mai lại toạc trên lưng/ quanh năm vá dọc vá ngang, cũng đủ giang hồ quen nết”. Hoặc trong bài thơ “Tiểu đội xăm hình con bướm trên nông trường khóm”, Bùi Chí Vinh viết: “Cởi phăng áo máng quàng trên cỏ/ con bướm xăm da ngực tím bầm/ chụp chiếc cuốc và cười ha hả/ thấy khác thời kỳ Papillon/ Thấy người tù khổ sai biệt tăm/ ở bình nguyên không ai có tội/ chiếc bè từ hải đảo hiện sinh/ đã cặp được bến đời mong đợi/ Ở đây trái cây không biết nói/ nhưng hiểu nhau ở chỗ đất lành/ nên những người xăm hình con bướm/ biết đậu vào liếp khóm lên xanh”.
Còn trong bài thơ “Những bông hoa trên tuyến lửa”, Đỗ Trung Quân viết: “Ở giữa rừng đâu có gương soi/ làm sao em thấy được vết bầm trên má/ chuyến tải thương về mấy lần trượt ngã/ vì mùa mưa nào đã chịu dứt nơi đây…/ Em là người thanh niên xung phong/ không có súng chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn/ giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm/ em vượt đường dài tiếp thêm lửa chiến công”. 
Không chỉ làm thơ về đời mình, những đêm lửa trại cũng đã khơi lên những giai điệu ấm áp của lực lượng TNXP. Nhạc sĩ Lê Văn Lộc, tác giả ca khúc “Em đi qua cầu cây”, với những lời hát “Có chiếc cầu cây bắc ngang qua suối/ Cao thật cao, không tay vịn/ Em đi qua chiếc cầu rung rinh/ Dòng nước lung linh soi bóng em về…”, kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ những ngày đơn vị đóng quân phục vụ chiến đấu ở vùng chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Một hôm, trên đường đi tải đạn, chúng tôi phải qua con suối chảy rất xiết. Cây cầu qua suối cao cách mặt nước 5-6 thước, là những ván gỗ dạng bậc thang không tay vịn, đoạn giữa cầu được nối bằng hai miếng gỗ đong đưa, lắc lư, rất nguy hiểm. Qua được đoạn ấy, ai cũng rợn người, tay chân bủn rủn. Khi đã qua đến bên kia cầu, tôi ngoảnh đầu nhìn lại thấy các cô gái TNXP vẫn tươi cười ríu rít, đôi chân thoăn thoắt vượt qua. Trong đầu tôi nảy ra mấy câu “Cầu tre lắt lẻo chân em vững vàng/ Nào xá hiểm nguy em ra chiến trường/ Hiến dâng cuộc đời em cho Tổ quốc/ Áo xanh bạc màu thanh niên xung phong”. Mấy hôm sau tôi hoàn thành bài hát này”.
Từ lực lượng TNXP, một lớp văn nghệ sĩ đã trưởng thành. Nhờ sự đồng cảm về thân phận, họ có những sự kết hợp rất ăn ý. Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên hoàn thành bài thơ “Có đôi khi”, chẳng bao lâu nhạc sĩ Lã Văn Cường phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Ca khúc “Có đôi khi” không chỉ được biểu diễn ở những nông trường hay những lán trại, còn bay vào đời sống âm nhạc Việt Nam và rung động bao nhiêu công chúng: “Ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang/ Sống kiếp lang thang, dạo chơi khắp núi rừng/ Rũ lá rơi vàng, về thăm biển mênh mông/ Vượt ngọn sóng dâng tràn/ Ta là gió trên ngàn/ Ôi phải chi ta là con suối sông kia/ Sống kiếp giang hồ, dạo chơi hết bến bờ/ Để có tiếng chim và em mãi ngây thơ/ Ta đâu biết mong chờ/ Ta thôi hết vật vờ".
Ngoảnh lại “Một thời chân đất”, cựu TNXP Nguyễn Tuyết từng phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, thổ lộ: “Có bao nhiêu buồn vui khó nói hết. Vui vì nhiều bạn bè thành đạt từ môi trường TNXP, có người là bác sĩ, có người là doanh nhân, có người là nhà báo. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người bạn TNXP năm xưa, bây giờ đang sống rất khó khăn phải chạy xe ôm, làm bảo vệ, giúp việc nhà, bán vé số... Mỗi người một số phận, nhưng tôi mong có nguồn quỹ để những cựu TNXP san sẻ cho nhau, yêu thương nhau như ngày nào cùng đứng chung hàng ngũ”.

Các tin khác