Không e sợ kẻ địch
Năm 980 trước khi tiến đánh Đại Cồ Việt, vua Tống gửi chiến thư cho Lê Hoàn, lúc đó vẫn còn là Phó Vương nhiếp chính, đe dọa bắt phải quy phục. Trong đó có đoạn viết: “Hiện nay ta đã sửa sang binh xa và bộ tốt, hiệu lệnh chiêng trống rất nghiêm minh; nếu vâng theo giáo hóa thì được tha; nếu chống lại mệnh lệnh thì sẽ bị trị tội”.
Trước khi tiến binh vua Tống cũng gửi thư dọa: “Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời... Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống... nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy”.
Trong tình cảnh đất nước rối ren, Thái hậu nhà Đinh là Dương Vân Nga đã quyết định nhường lại Hoàng vị cho Lê Hoàn. Từ đó Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc (980), xưng là vua Lê Đại Hành. Sau khi lên ngôi, vị vua này cương quyết chống giặc. Ngoài việc củng cố chiến lũy, vua thường thỉnh thiền sư Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu góp ý, bàn kế giữ nước, nhằm giữ yên giang sơn.
Mùa thu năm 980, quân Tống tiến hành xâm lược Đại Cồ Việt. Mùa xuân năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua Lê Hoàn đích thân làm tướng ra trận mạc chống quân thù, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng.
Sách Việt sử tiêu án chép: Vua tự làm tướng ra chống đánh, sai sĩ tốt cắm gỗ ngăn cửa sông. Vua Lê Hoàn đã cho xây dựng một tòa thành có tên là Bình Lỗ, là một trận địa quan trọng.
Sau này Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn có nhắc đến: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, hoàng đế nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu. Trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống...".
Mùa hạ năm 981, quân Tống giao chiến với quân Việt, thế giặc mạnh nên Phạm Cự Lạng xin Lê Hoàn rút quân. Sau đó, tại Ba Bộ, chuyển vận sứ nhà Tống là Hầu Nhân Bảo cùng đạo tiền quân tiến sâu vào, quân ta ra đánh, địch đại bại. Cánh quân Tôn Toàn Hưng do đường thủy và đường bộ tới làng Đa-La, không gặp Hầu Nhân Bảo, bèn rút quân trở về Ba Bộ.
Với chiến thuật quân sự khôn khéo, vua Lê Hoàn bắt được Hầu Nhân Bảo, đem chém. Trần Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận bèn dẫn quân về. Vua Lê Hoàn thừa thắng đuổi đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt sống đại tướng là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư. Từ đó đất nước bình yên.
Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành bị vua Chiêm là Bê Mi Thuế (Paramesvaravarman) bắt giữ. Lê Hoàn tức giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to, quân sĩ bị bắt sống nhiều vô kể; ta san phẳng nhiều thành trì của địch, chứng tỏ thực lực của Đại Cồ Việt. Năm 990, Lê Hoàn lại đem quân đánh vào châu Địa Lý (Chiêm Thành); các năm 995 và 997, quân Chiêm kéo sang đánh phá biên giới Đại Cồ Việt, Lê Hoàn tiếp tục đánh đuổi, gìn giữ bờ cõi…
Ngoài các chiến thắng quân sự đối với nhà Tống, nước Chiêm, Lê Hoàn còn phải đối phó với các cuộc phản loạn trong nước. Năm 989, nhà vua Lê Hoàn sai viên Quảng giáo là Dương Tiến Lộc đi thu thuế ở châu Hoan, châu Ái, Tiến Lộc làm phản, đem người hai châu ấy xin theo về với Chiêm Thành. Lê Hoàn nghe tin, đem quân đánh châu Hoan, Ái đuổi bắt được Dương Tiến Lộc.
Năm 995, vua Lê Hoàn cho quân vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu (nước Tống) dẹp loạn. Mùa hạ cùng năm, vua Lê Hoàn lại dẫn 5.000 binh Tô Châu vào đánh Lộc Châu, thuộc huyện của Ung Châu, giao chiến với quân Tống do Tuần kiểm Dương Văn Kiệt chỉ huy. Năm 996, vua Lê Hoàn đem quân đi đánh được 4 động ở Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng. Tháng 7-996 vua Lê Hoàn đánh quân làm phản ở Đỗ Động Giang. Từ đó các châu động điều quy phục. Năm 1000, Lê Hoàn xuống chiếu đi đánh người ở châu Phong là Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn, khiến cho nhóm người này phải chạy vào vùng núi Tản Viên lẩn trốn.
Cốt cách bản lĩnh, kiên cường
Cốt cách bản lĩnh, kiên cường
Lê Hoàn sinh ngày 15-7, năm Tân Sửu (10-8-941), quê ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), có cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị. Lớn lên, Lê Hoàn theo giúp Nam Việt vương Đinh Liễn. Do tính tình phóng khoáng, có chí lớn được Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh khen là người trí dũng, bèn giao cho cai quản 1.000 quân sĩ.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức vua Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chọn Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân.
Tháng 10-979, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn ở sân cung. Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng Lê Hoàn rước Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế và tôn mẹ Đinh Toàn là Dương Thị làm Hoàng thái hậu. Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi; Lê Hoàn làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương.
Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp nghi ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô Hoa Lư giết Lê Hoàn. Lê Hoàn chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Đinh Điền, Nguyễn Bặc ở Tây Đô, Đinh Điền, Nguyễn Bặc bỏ chạy. Lê Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc đóng cũi đưa về kinh sư.
Tháng 6-980, nhận tin quân Tống chuẩn bị xâm lược, Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi chiến đấu, lấy người Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận sẵn sàng đánh giặc. Thái hậu thấy thế bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Sau đó, Lê Hoàn đổi niên hiệu là Thiên Phúc.
Lê Đại Hành khi cai trị đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Mùa xuân năm 987, vua Lê Hoàn lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng; lại cày ở núi Bàn Hải được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân. Năm 1003, vua Lê Hoàn đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thông thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu.
Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông nhà Lê (hiện được nối liền 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và là một di tích lịch sử) do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này. Từ con sông đào do Lê Hoàn khai phá trên đất Thanh Hóa, đến thời Lý, Trần sông đào đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. Đến thời Lê đã rộng khắp dải miền Trung bộ và đến thời Nguyễn sông đào có mặt ở khắp mọi miền Việt Nam.
Theo Phan Huy Chú, nước Việt ở cõi Nam nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, bên trong xưng đế, bên ngoài xưng vương. Năm 980, vua Tống sai Lư Tập đi sứ Đại Cồ Việt, lúc này Lê Hoàn đã nắm quyền bính, đứng ra tiếp sứ. Tháng 10 âm lịch năm 986, Lê Hoan trao trả các tướng Tống bị bắt năm 981 là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân về nước.
Năm 990, nhà Tống sai người sang sắc phong, Lê Hoàn sai người đem thủy quân đi đón. Bây giờ sứ thần sang phong cũng giản dị nên nhà vua coi thường, sự đón tiếp làm ra vẻ sơ sài, kiêu ngạo. Nơi sứ quán, đồ cung tiếp không đầy đủ. Khi sứ sắp đến, Lê Hoàn mới làm gian nhà lợp tranh đề chữ Mao kính dịch, nghĩa là trạm qua đường lợp cỏ tranh. Đến khi Lê Hoàn ra đón ngoài thành thì quân dung lộng lẫy, cờ đàn bay khắp nơi. Vua cùng với sứ giả giong cương ngựa cùng đi.
Đến cửa điện Minh Đức, Lê Hoàn nhận tờ chế đặt trên điện, không lạy, nói khéo rằng do đánh nhau với quân Man nên bị ngã ngựa, đau chân. Hôm sau lại bày trò vui tiếp sứ giả, nhân đấy nói: “Đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, sau này nếu có thư tín gì về việc nước, nên giao cho đầu biên giới, khỏi phiền sứ quân đến đây”. Sứ thần về tâu lại, vua Tống nghe theo.
Tiếng thơm để đời
Tháng 3-1005, Lê Hoàn băng hà ở điện Trường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, triều đình chôn vua ở sơn lăng châu Trường Yên. Sau đó, các người con là Lê Long Đĩnh, Đông Thành Vương, Trung Quốc Vương, Khai Minh Vương tranh giành quyền lực, đưa đất nước rơi vào thảm họa.
Tiếng thơm để đời
Tháng 3-1005, Lê Hoàn băng hà ở điện Trường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, triều đình chôn vua ở sơn lăng châu Trường Yên. Sau đó, các người con là Lê Long Đĩnh, Đông Thành Vương, Trung Quốc Vương, Khai Minh Vương tranh giành quyền lực, đưa đất nước rơi vào thảm họa.
Về việc này, Sử gia Lê Văn Hưu nhận định: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn”.
Sử gia Ngô Thì Sĩ nhận định: “Vua Đại Hành là người anh minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần, cho nên khu sách các anh hào, vang động cả quân Mán và người Tàu”. Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: Lê Đại Hành là một vị vua mà Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng".
Theo sách An Nam chí lược, trước khi sai quân đánh Đại Việt, vua Tống Thái Tông đã ra lời chiếu như sau: “Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang khắp cả mọi nơi, gần đây đất Diên Chỉ, chưa sáp nhập vào địa đồ Trung Quốc, chúng ở một phương, gần nơi Ngũ Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia xẻ đất đai, rồi chúng làm ra một nước tiếm ngụy… Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian ngụy để cứu dân, phải cử binh qua đánh để khai hóa xứ mọi rợ; nay cho bọn Tôn Toàn Hưng xuất quân qua đánh”.
Văn bản này đã chính thức xác nhận nhà Tống chưa sát nhập Đại Việt vào lãnh thổ Trung Quốc và Đại Việt có phong tục riêng biệt. Vì thế bài thơ “Nam quốc sơn hà” ra đời ngay thời xưa là có cơ sở.
Tại hội thảo Khoa học quốc gia “Lê Hoàn - Quê hương và sự nghiệp” được tổ chức ngày 6-9-2016 tại Hà Nam, Phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê khẳng định: Thông qua những tư liệu lịch sử, cơ sở khoa học có thể khẳng định Hà Nam chính là quê gốc của Lê Hoàn. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng vấn đề quê hương Lê Hoàn ở đâu không quan trọng bằng điều dễ nhận thấy là cả Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Nam đều là những miền quê gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của vị vua này.
Tính đến năm 2014, các nhà nghiên cứu đã thống kê được hơn 48 nơi thờ Lê Đại Hành (trong đó có 16 nơi thờ riêng, 5 nơi phối thờ với bà Đô Hồ phu nhân; 3 nơi phối thờ với Thái hậu Dương Vân Nga và 24 nơi thờ với các vị thần khác). Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích thờ Lê Hoàn nhất 13 nơi; tiếp theo là Thái Bình 10 nơi; Hà Nội 10 nơi… Điều này có thể giải thích cho việc nhân dân quanh khu vực này thờ cúng Lê Hoàn rất trọng thị cho đến ngày nay.