Nguyễn Nhật Ánh rất vui và nói rằng thế hệ viết văn của anh rất hiếm người Sài Gòn gốc mà viết nhiều, viết kỹ về Sài Gòn như Lê Văn Nghĩa lại càng hiếm. Nguyễn Nhật Ánh cho rằng dù viết về thời niên thiếu, nhưng truyện của Lê Văn Nghĩa giàu chất văn hóa phong tục, nhiều lúc có cảm giác thú vị như đọc sách biên khảo của các tiền bối Sơn Nam hay Vương Hồng Sển.
Từ đầu thập niên 1990 khi gia nhập làng báo, làng văn tôi đã hay gặp trò chuyện với đàn anh Lê Văn Nghĩa. Ngoài phụ trách chính tờ báo Tuổi Trẻ Cười, anh còn cộng tác làm trang “cười” thường xuyên cho một số báo chí khác, trong đó có Kiến Thức Ngày Nay nơi tôi làm việc. Những năm tháng cuối đời chúng tôi càng thường xuyên gặp nhau sinh hoạt trong nhóm Văn học Sài Gòn do tôi chủ trương mà anh là khách mời ít khi vắng mặt. Bất kỳ ai cũng có người thương kẻ ghét, Lê Văn Nghĩa cũng không tránh khỏi chuyện thường tình đó, nhất là anh từng phụ trách Tuổi Trẻ Cười “va chạm” không ít người. Thế nhưng khi gần gũi nhau mới thấy ở anh sự chân tình và bao dung của một người từng trải đủ thăng trầm, sự sâu sắc và hóm hỉnh của một người ham học ham đọc ham viết cho tới hơi thở cuối cùng.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa và tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng”.
Thương hiệu “Anh Hai làng trào phúng” nổi tiếng của Lê Văn Nghĩa gắn liền với tờ Tuổi Trẻ Cười cùng các bút danh Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… và nhiều cuốn sách trào phúng của anh mấy mươi năm qua. Ngoài tác phẩm đầu tay là tập truyện ký Vượt sóng kể về thời gian anh ở tù Côn Đảo, tiếp sau đó chủ yếu là các tác phẩm hài hước, châm biếm ra đời do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, mà Lê Văn Nghĩa được mệnh danh là “Aziz Nesin của Việt Nam”. Khi cười xòa. Lúc cười sặc sụa. Khi cười mỉm chi. Lúc cười chua chát đắng cay, thậm chí phẫn nộ trước thế thái nhân tình. Truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa mang lại cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Và cái thế mạnh hài hước ấy về sau anh lại tiếp tục đưa vào các tác phẩm mang tính tự truyện, biên khảo của mình một cách tự nhiên ý vị.
Như cảm thấy có lỗi với mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi “chôn nhau cắt rốn”, và tiếc nuối di sản văn hóa phi vật thể phong phú mà mình là nhân chứng, sau khi về hưu nghỉ làm báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã dành tâm sức còn lại viết về thành phố này một cách khách quan và trung thực. Đau đớn phát hiện bị bệnh nan y anh càng viết cật lực. Viết như ngày nào cũng là ngày cuối cùng. Nhờ vậy các tác phẩm của anh viết về Sài Gòn trước năm 1975, chủ yếu là hồi ức thời niên thiếu đã nhanh chóng ra đời. Đó là 4 truyện dài: Mùa hè năm Petrus (2010), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020) và 5 tập tạp bút - biên khảo: Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (2016), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020), Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (2021).
“Thời gian chậm rãi trôi đi mang theo những bóng dáng yêu thương ngụt trời của ký ức. Hãy tìm một chút mảnh ghép rời của Sài Gòn ngày xưa - để nhớ lại hồn Sài Gòn của một tuổi thơ tôi". Đó là lời tâm tình của nhà văn Lê Văn Nghĩa trong Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, cuốn sách cuối cùng này đang in chuẩn bị phát hành thì anh đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 69.
Nếu ví ký ức về Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1975 như một cánh đồng, thì Lê Văn Nghĩa lần lượt cày xới từng thửa ruộng và bội thu bằng cách tái tạo vẻ đẹp nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất mà anh phát hiện, lưu giữ, kết nối với sự liên tưởng và văn phong độc đáo của mình. Một không gian văn hóa Sài Gòn rộng mở và hỗn tạp, đa diện và cá tính, bộn bề và sâu lắng như “dòng sông tuổi thơ” hồn nhiên chảy vào trang viết của Lê Văn Nghĩa, trong đó có Mùa tiểu học cuối cùng.
Chẳng những người Sài Gòn sinh trưởng thời chiến tranh mà các thế hệ sau này, và cả những người yêu quý Sài Gòn cũng có thể tìm thấy trong trang sách Lê Văn Nghĩa những sự đồng điệu thích thú. Ấy là thế giới tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch. Ấy là di sản văn hóa phong tục tập quán truyền thống của người Việt ở đất mới phương Nam. Và một phần bức tranh đời sống sáng tạo văn học nghệ thuật chênh chao ở một giai đoạn đặc biệt của Sài Gòn và miền Nam trước năm 1975 mà còn ít người được biết đến.
Trong bài viết nói trên về nhà văn Lê Văn Nghĩa, GS.TS Huỳnh Như Phương cũng đồng cảm: “Tôi thực sự yêu thích văn kể chuyện tự nhiên, hoạt náo của Lê Văn Nghĩa khi đọc bốn cuốn truyện anh viết về học đường miền Nam, bắt đầu với Mùa hè năm Petrus và gần đây là Mùa tiểu học cuối cùng. Gần 1.300 trang sách trang trải những kỷ niệm thiếu thời qua hình ảnh những thầy cô giáo đáng trọng, những học trò đáng yêu trong sân trường, lớp học và trên những ngả đường, góc phố Sài Gòn thời chiến. Tác phẩm của anh lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu”.
Lời mời gọi dí dỏm dễ thương báo hiệu mang đến những câu chuyện đầy ắp tiếng cười. Và thế mạnh của một cây bút trào phúng giúp nhà văn Lê Văn Nghĩa có cách tạo dựng những chi tiết bình thường trở lên trào lộng, lôi cuốn. Mỗi chương như một đoạn phim sống động, toát lên những hình ảnh thơ mộng của Sài Gòn một thời với tình cảm gia đình, thầy trò, bạn bè, hàng xóm láng giềng gắn kết trọng tình trọng nghĩa của những người lao động nghèo. Những ký ức trong veo như thuộc nằm lòng. Những ký ức phát sáng từ bóng mờ bụi phủ. Góc khuất thời gian và vỉa tầng văn hóa sống lại cùng những đứa trẻ hồn nhiên, nghịch ngợm, láu cá, hào sảng, nghĩa khí, muốn làm điều hay lẽ phải, biết cách yêu quý bạn bè và người thân theo nhận thức riêng mình. Tinh thần đạo nghĩa, yêu thương đồng bào cũng tinh tế hiện ra sau những câu chuyện tự nhiên, xúc động ấy.
Viết trong đớn đau bệnh tật nan y. Viết với ý thức khâu vá lại thời gian, phục dựng lại ký ức văn hóa đã và sắp mất. Những con chữ Mùa tiểu học cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa đầy ắp tiếng cười tươi vui nhưng kết tinh bằng nước mắt, thậm chí là những giọt máu cuối cùng khô dần của cuộc đời anh. Giá trị nhân văn không chỉ toát ra từ tác phẩm. Giá trị còn nằm ở lương tâm trách nhiệm cao cả của nhà văn với quê hương tuổi thơ, ký ức văn hóa và sự đồng cảm, chia sẻ từ người đọc tri âm các thế hệ!