Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản gửi Hà Nội, TPHCM cùng các tỉnh, thành có cảng hàng không, sân bay, để lấy ý kiến về Kế hoạch khai thác vận tải hàng không giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ ngày 5-10-2021.
Theo đó, các đường bay đi và đến TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau được đề xuất hoạt động trở lại.
Tổng số đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.
Trong đó, đường bay đi/đến Hà Nội giai đoạn 1, dự kiến hoạt động từ ngày 5-10, gồm 17 đường bay với 91 chuyến khứ hồi/ngày.
TPHCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay với 43 chuyến khứ hồi/ngày.
Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 8 đường bay, với 23 chuyến bay khứ hồi/ngày. Hải Phòng đi và đến các tỉnh là 11 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày.
Thanh Hoá khôi phục 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày đi và đến các tỉnh thành. Cần Thơ khôi phục 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày.
Nghệ An khôi phục 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày. Đắk Lắk khôi phục 6 đường bay với 14 chuyến khứ hồi/ngày. Khánh Hoà khôi phục 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày.
Thừa Thiên Huế khôi phục 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày. Kiên Giang khôi phục 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày. Gia Lai khôi phục 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày.
Các tỉnh khác gồm Phú Yên khôi phục 2 đường bay với 7 chuyến khứ hồi/ngày. Bình Định khôi phục 3 đường bay với 11 chuyến; Quảng Nam khôi phục 2 đường bay với 8 chuyến; Bà Rịa - Vũng Tàu khôi phục 5 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày...
Quảng Bình khôi phục 2 đường bay với 6 chuyến; Quảng Ninh khôi phục lại 1 đường bay với 3 chuyến; Điện Biên đề nghị khôi phục 1 đường bay với 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết riêng đối với TP Hà Nội, do địa phương đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại, nên Cục Hàng không Việt Nam không lấy ý kiến từ phía Hà Nội.
Tuy nhiên, Cục Hàng không vẫn đưa hành trình đến Hà Nội để chủ động xin ý kiến của các tỉnh thành, về việc nối chuyến đến Hà Nội. Khi Hà Nội sẵn sàng, các đường bay sẽ được khôi phục.
Trong ngày 1-10, Hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải hành khách sau thời gian dài bị “đóng băng” do Covid-19, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành, đã chính thức có hiệu lực, cùng thời điểm TPHCM mở cửa nền kinh tế.
Trong kế hoạch này, Bộ GTVT đưa ra 4 mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Cụ thể, cấp 1 có nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2 có nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 có nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 có nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng hướng dẫn tạm thời này): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên trong tháng 4-2021 của hãng hàng không đó, và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên trong tháng 4-2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên trong tháng 4-2021 của hãng hàng không đó và cũng không phải giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): Các hãng bay được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Tổ bay phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3) phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần). Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4) phải được tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.