Chọn mức giá chào sàn hợp lý luôn là thách thức cực lớn với các doanh nghiệp (DN) niêm yết. Giá chào sàn có thể là đòn bẩy giúp CP “chạy” thật nhanh và thu hút NĐT, nhưng cũng có thể biến thành vực sâu khiến CP rơi tự do và không ai thèm ngó ngàng đến.
Thách giá hay hên-xui?
Ngày 8-4 vừa qua, CP của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) đã chào sàn HOSE với giá tham chiếu 27.000 đồng/CP. Kết thúc phiên, NLG đã giảm kịch sàn 20% (biên độ cho ngày chào sàn) chỉ còn 21.600 đồng/CP và tiếp tục có thêm 4 phiên giảm sàn và hiện chỉ còn 16.200 đồng/CP.
Một sự khởi đầu có phần khắc nghiệt cho NLG. Tuần qua, VN Index diễn biến khá thất thường, hết lên rồi lại xuống mức 500 điểm khiến nhiều NĐT phải chóng mặt, không hào hứng nhưng cũng không thể dùng chữ tiêu cực ở đây.
Còn sự kiện NLG niêm yết 95,5 triệu CP tại HOSE đã được chú ý từ vài tháng qua, vì đây là một trong những đơn vị có tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản. Nhìn qua các yếu tố như năng lực tài chính, tiềm năng kinh doanh, các dự án đã, đang và sẽ triển khai cũng như thương hiệu của NLG có thể nói gọn là “tạm ổn”.
Về cả yếu tố thị trường chung lẫn chất lượng của DN đều không có gì phải phàn nàn, vậy tại sao giá CP vẫn lao dốc? Trước khi NLG lên sàn không lâu, Hudland (HLD) cũng chào sàn HNX (26-3) và có được 4 phiên tăng, trong đó có 3 phiên tăng trần, lên 30.000 đồng/CP rồi sau đó mới giảm giá trở lại.
Như vậy có lẽ cần phải xét thêm một yếu tố quan trọng là giá chào sàn của NLG cũng như việc lãnh đạo DN này gặp gỡ NĐT trước khi lên sàn.
Ngày 17-1, HAR (CTCP ĐT-TM bất động sản An Dương Thảo Điền) lần đầu tiên giao dịch tại HOSE với giá tham chiếu 12.000 đồng/CP. So với NLG thì sự xuất hiện của HAR trên sàn vào thời điểm đó có phần lặng lẽ hơn. Tuần qua, đã có lúc giá của HAR lên đến 34.000 đồng/CP, tức là nếu ai may mắn mua được HAR trong phiên giao dịch đầu tiên của CP này thì đã lời hơn gấp đôi.
Từ trường hợp của HAR cũng có thể nhớ đến DIG (DIC Corp) đã chào sàn HOSE với giá 55.000 đồng/CP vào tháng 8-2009, đây được xem là mức giá khá mềm so với giá trị của DIG tại thời điểm đó. Sau khi lên sàn, DIG đã tăng giá rất mạnh, có những lúc đã lên xấp xỉ 150.000 đồng/CP, tức tăng gần gấp 3 lần so với ban đầu.
Trường hợp DIG hoặc HAR có thể xem là dẫn chứng cho chiến thuật chọn mức giá chào sàn thấp để tạo lực đẩy cho CP. Nhưng chiến thuật này cũng có những rủi ro, chẳng hạn nếu chọn mức giá thấp trong tình hình thị trường không thuận lợi thì có thể khiến giá CP bị “rẻ rúng” trong mắt các NĐT.
Nhưng nếu CP “có chất” thực sự cũng không phải quá e ngại điều này vì thị trường trước sau cũng có thể nhìn ra được giá trị của CP. Chưa kể, trong trường hợp thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá, buộc ngay cả CP tốt cũng giảm, thì mức giá thấp sẽ giúp CP sớm tạo đáy hơn mức giá cao.
Khắc nghiệt của chứng khoán
Những CP bất động sản phổ biến hiện nay bao gồm DIG, ITC, LCG, TDH, NTL… Những CP này dù lỗ, lãi khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là giá chỉ xoay quanh 10.000 đồng/CP. Cũng có một số trường hợp ngoại lệ như HAG giá trên 20.000 đồng/CP.
Cần nhắc lại rằng, mặc dù giá trị của CP được xác định bởi rất nhiều yếu tố, nhưng trong nhiều thời điểm, thị trường vẫn có hiện tượng “so thị giá” các CP với nhau. Trong một chừng mực nào đó, CP nào thị giá “rẻ” làm ăn “được” trở nên hấp dẫn, trong khi CP tốt giá cao chưa hẳn đã là hay.
Dưới góc nhìn thị trường, việc NLG chọn mức giá chào sàn 27.000 đồng/CP có phần “nửa nạc, nửa mở”. Bởi lẽ, với giá này NLG còn “đắt” hơn cả HAG, trong khi không dám chắc NLG hơn được HAG trong lĩnh vực bất động sản. Nếu đem so kè NLG với DIG, ITC, LCG, TDH hay NTL thì NLG cũng không thể vượt trội. Đó là chưa nói đến NLG thua những CP này là sự “quen mặt” với các NĐT.
Cứ cho là NLG tốt, cũng chỉ những đối tác, khách hàng của NLG biết, còn lại một bộ phận không nhỏ các NĐT chỉ mới biết NLG từ khi CP này lên sàn. Một CP lạ lẫm, mà thị giá lại cao ngất như vậy, có thể khiến không ít người e dè. Trong 3 phiên 9, 10 và 11-4, NLG đã bị bán giá sàn nhưng tổng cộng cũng chỉ có hơn 50.000 CP được khớp lệnh, giá trị xấp xỉ 1 tỷ đồng, cho thấy sức cầu có phần dè dặt.
Nếu NLG vẫn tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm giá, có lẽ công ty đã sai lầm khi “thách giá” chào sàn quá cao. Điều này sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt về sau. Nhưng cũng có thể kỳ vọng rằng, giảm mạnh thì sẽ tăng mạnh, NLG sẽ sớm tạo đáy và bật mạnh trở lại. Về vùng giá khoảng 15.000 đồng/CP khả năng trụ và giữ giá của NLG cũng sẽ tốt hơn.
Nhưng dù gì thì trong 1 tuần qua, NLG cũng khiến một số người mua không vui. Ai mua NLG với giá 20.000-21.000 đồng/CP để rồi phải cắt lỗ giá 17.000-18.000 đồng/CP, lỗ 10-15% chỉ trong vài ngày. May ra chỉ có những người mua NLG từ đầu với giá 10.000 đồng/CP và bán ra với giá 20.000 đồng/CP mới có lời, nhưng nhìn vào thanh khoản của CP này số tiền lời cũng chưa được bao nhiêu.
Cũng giống như một sản phẩm bán ra thị trường, được quảng bá tốt, chất lượng cao nhưng nếu lạ lẫm với người tiêu dùng thì vẫn cần phải có thời gian dùng thử và kiểm chứng, chứ không ai đi mua ồ ạt cả.
Cần khẳng định một lần nữa, mức giá NLG chọn để chào sàn là phù hợp với tiềm năng của công ty và không đắt. Nhưng sàn chứng khoán không phải là nơi để ta nói với ta mà còn có rất nhiều tương quan, so sánh khác nhau, nên chọn giá chào sàn cũng phải biết… nhìn trước ngó sau.