Ốc lèn vùng thảo dã
Cứ cuối tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch mỗi năm, dưới những rặng núi đá vôi trùng điệp trong lãnh địa 3 bản đồng bào Rục gồm Ón, Mo Ó Ồ Ồ, Yên Hợp người dân lại vào rừng tìm kiếm ốc lèn.
Theo trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư: “Từ ngày xưa, người Rục đã biết dùng ốc lèn để làm thức ăn, thanh mát mùa hè, bổ thận, tráng dương, có chất dinh dưỡng giúp trẻ con ít đau vặt khi nấu cháo củ môn. Ông bà xưa nói nếu bản có khách, vào mùa phải kiếm ốc đãi khách mới là thuận hiếu với người đến và cũng để hiểu biết vùng đất lành nơi đây. Bởi nơi ốc lèn sinh sống, nơi đó an cư lạc nghiệp, nơi ốc lèn kiếm ăn, nơi đó có cây bản địa làm thuốc, có cây giải độc rắn cắn, giải nhện độc và giải độc ong rừng đốt”.
Biết chúng tôi lên công tác, ông Trần Xuân Tư đặt trước 50 con ốc lèn vừa ngậm sương ban sớm trên các khe đầy rêu của đá tai mèo. Ông Tư nói: “Chỗ ốc lèn này lấy trong Hung Cụt, khu vực này nhiều cây thuốc quý hiếm chỉ đồng bào Rục mới biết, đây cũng là thung lũng có nhiều hang động, là đất cổ mà ngày xưa tổ tiên người Rục sinh sống, trồng nhiều loại cây cho ốc lèn núi đá về ăn, lâu năm trở thành vườn thảo dã cho ốc lèn sinh sôi”.
Trưởng bản Ón dặn vợ con vo sạch chỗ ốc quý, thoăn thoắt ra vườn hái ớt chỉ thiên giã muối tươi, đâm hạt dỗi thơm lừng làm món chấm đãi khách. Đến bữa, ông Tư nói: “Hôm nay có món ốc, trước là cúng Giàng, báo cáo Giàng có khách quý lên chơi mới mời món ốc lèn, sau cũng thấy yên lành vì năm nay ốc lèn cũng khá, chứng tỏ vùng đất đồng bào Rục ở vẫn giữ nếp bình yên, con cháu thuận hòa, mùa vụ tươi tốt”.
Bữa ăn có cơm nếp nương kèm với gà bản Rục chạy bộ núi đá kho nén. Đặc biệt con ốc lèn, thấm tháp, có mùi chua chua, cay cay và nồng của các loài cây thuốc thẩm thấu. Có cả vị thơm mát rong rêu và cũng ẩn chứa sự hiếu khách của chủ nhà.
Liêng biêng rượu đoác
Trong bữa ăn cùng trưởng bản, ông Cao Xuân Lành, một người dân bản Ón mời chúng tôi ngụm rượu đoác. Ông Lành nói: “Biết trưởng bản có khách nên tranh thủ lấy chỗ rượu đoác trong Rục Mòn về. Rượu loại một, uống không say nhưng cứ liêng biêng cả ngày. Phải nhà có khách mới có thể thưởng thức”.
Rượu đoác qua giới thiệu của dân bản, là loại rượu không nấu trên bếp lửa. Rượu làm từ nước cây đoác. Người Rục đục cái lỗ vào thân cây đoác để nước chảy vào hốc đá, sau đó lấy vỏ cây Pa Chang bỏ vào lên men ủ qua đêm lên vị rượu, ngọt nhẹ như vòm mây trong rừng rậm, thơm mát lạ kỳ. Uống một cốc thấm gan ruột, uống cốc nữa mắt mũi phừng phừng, uống cốc tiếp lại cười như nắng rừng sau lũ.
Rượu đoác đối với đồng bào Rục là thứ linh thiêng. Chỉ có người am hiểu cánh rừng già, gia giảm, pha chế điêu luyện mới ra được rượu đoác không quá nặng, cũng không quá ngọt. Ông Lành kể: “Người Rục làm rượu đoác để cùng chia sẻ chia, thết đãi khách. Trong văn hóa người Rục, rượu đoác là sự vui vẻ, uống để hát những điệu dân gian xưa, để nhớ về ông bà tổ tiên, để vui với khách khứa vào thăm.
Thành ra uống rượu đoác là cái duyên như anh em một nhà”. Trưởng bản Trần Xuân Tư chia sẻ: “Bà con không buôn bán rượu đoác. Bởi nếu làm thương mại, cây Pa Chang sẽ bị lấy đi nhiều, nước cây đoác bị rút sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng xanh. Phải để cân bằng, nên người Rục tiết kiệm rượu đoác không làm đại trà”.
Khi nâng đến cốc đoác thứ năm, trưởng bản, thanh niên trong bản đã mở nhạc, những bản nhạc ngân lên từ loa thùng, tiếng hát véo von được cất theo lời. Không ngờ, anh em Rục hát thật hay giữa mây gió sương giăng dưới núi đá vôi. Hỏi ra mới được trưởng bản Trần Xuân Tư giải thích: “Cứ có nước đoác vào thì tâm hồn hát hò lại nổi lên.
Không biết do anh em Rục sống trong rừng đá vôi nên hát cao giọng, bài nào cũng ngân nga thành ra bản làng cùng vui. Sau này, bộ đội biên phòng phổ biến các bài ca cách mạng, trẻ con, phụ nữ, đàn ông, người già đều thích và hát say sưa. Bộ đội biên phòng vào giúp dân, đưa dân ra khỏi hang đá, dựng nhà, xây đồn ở lại với dân. Đưa lúa nước lên cao nguyên đá vôi, trồng lúa nước giữa thung lũng đá, chia ruộng, chia lúa cho dân nên dân bản biết ơn chia chén rượu đoác như lời thề chung thủy”.
Cao quý sâm dấn
Người Rục còn một sản vật quý hiếm thường để thết đãi bạn bè, ấy là sâm dấn. Củ sâm khá to, nặng đến 3 ký, nhưng phải có duyên mới có thể đào được sâm dấn trong rừng xanh Kẻ Bàng.
Củ sâm dấn mọc tự nhiên trong những lớp mùn và đất sâu trong các kẽ đá. Những người Rục già nhất nói từ ngày tổ tiên người Rục định cư ở đây đã có mặt sâm dấn. Xưa xa, tổ tiên người Rục xem sâm dấn là vị thuốc quý, người ốm đau, đi săn bị trúng tên, phụ nữ mới sinh, khi có củ sâm dấn trong nhà, nấu lên cùng cháo, bỏ vào hầm cùng thức ăn sẽ nhanh hồi sức.
Ông Cao Xuân Lành kể: “Hồi đấy người của các bản khác vào Rục chơi, được những người già trong bản quý trọng tặng những củ sâm dấn đã phơi khô như một tín hiệu kết nghĩa bằng hữu. Nếu có mâu thuẫn gì, sâm dấn đưa ra, bên trao bên nhận sẽ được hóa giải, trở thành tình thân, có việc gì khó đều có thể nhờ nhau”.
Theo trưởng bản Trần Xuân Tư: “Đồng bào Rục ăn rừng không lấy sạch cái gì, đó là trí khôn của ông bà xưa dạy lại cho con cháu. Lấy hết bất cứ cái gì, nó sẽ trở nên mất cân bằng sinh thái, con cháu sẽ gánh lấy hậu quả. Ví như ốc lèn, nếu gặp một khe mát có cả trăm con ốc, chỉ lấy 70 con, còn 30 con để chúng sinh sản cho mùa sau.
Nếu lấy sâm dấn, gặp cả khu rừng sâm cả trăm gốc, chỉ lấy 60 gốc, 40 gốc ấy, để lại cho chúng sinh thêm các nhánh khác, cho các năm sau con cháu lớn lên sử dụng. Nếu gặp tổ ong mật, cũng chỉ nên lấy một nửa, nửa còn lại ong không bay đi, tiếp tục làm tổ, năm sau lại có chốn mà lấy. Người Rục ăn rừng là như vậy”.
Thì ra, cách bảo vệ rừng đâu cần cao siêu, với người Rục họ không thương mại, mỗi thứ lấy một ít đủ dùng, còn lại để tự nhiên cân bằng. Bảo vệ rừng là trong huyết quản và lối sống thông minh tự xưa truyền lại, thành một gia tài di truyền đời này sang đời khác của người dân nơi đây.