Ban lãnh đạo Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết đang cho điều tra các khoản quyên góp của tổ chức phi chính phủ được cho là đã hối lộ cựu lãnh đạo Đại hội đồng LHQ John Ashe.
“Các điều tra viên vẫn đang tiếp tục công việc để tìm hiểu xem liệu nạn tham nhũng, hối lộ có phải là kiểu cách quen thuộc ở LHQ hay không”, công tố viên Hoa Kỳ Preet Bharara đã nhận định trong cuộc họp báo tổ chức tại New York. Điều đó chẳng khác nhát kiếm chém vào danh dự của tổ chức lớn nhất hành tinh.
Nhưng sự thật là đã có sáu người liên quan đến bê bối hối lộ xuất phát từ trách nhiệm của LHQ. Những người này bao gồm cựu chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe, tỉ phú người Macau Ng Lap Seng cùng phụ tá Jeff Yin, giám đốc điều hành Quỹ Bền vững toàn cầu (GSF) Shiwei Yan, giám đốc quản lý Heidi Hong Piao và lãnh đạo tờ South-South News, ông Francis Lorenzo.
Ông ấy đã bán mình và bán luôn cả cơ quan mà ông ấy đang phụ trách
Ông PREET BHARARA (Công tố viên Hoa Kỳ)
Liên Hiệp Quốc bị sốc
AFP cho biết GSF của bà Yan đã chi 1,5 triệu USD cho Văn phòng LHQ về hợp tác Nam - Nam.
“Họ đang tiến hành một cuộc điều tra tích cực và sẽ điều tra sâu hơn về khoản tiền này như việc số tiền này được chuyển đến đâu và được sử dụng như thế nào” - phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric nói với báo chí hôm 7-10.
Hôm 6-10, ông Ashe - chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2014 - đã bị bắt và cáo buộc nhận hối lộ 1,3 triệu USD từ nhà đầu tư và phát triển bất động sản Trung Quốc Ng Lap Seng, hay còn gọi là David Ng, để giúp tỉ phú này kiếm được hợp đồng xây dựng một trung tâm hội nghị của LHQ tại Macau.
“Chúng tôi đang tiếp tục xem xét các khiếu nại từ hôm trước” - phát ngôn viên Dujarric thông tin. AFP nhận định rằng động thái điều tra các khoản quyên góp từ Tổ chức GSF là nỗ lực đầu tiên của LHQ để hiểu rõ hơn về quy mô của bê bối hối lộ này.
Trước đó Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tuyên bố ông “bị sốc và phiền muộn” bởi các cáo buộc bê bối đầu tiên trong lịch sử 70 năm qua của LHQ. Tuy nhiên ông Ban đã không thiết lập một cuộc kiểm tra của LHQ về quy mô của vụ hối lộ.
Văn phòng hợp tác Nam - Nam là một phần trong Chương trình Phát triển LHQ. Trên trang mạng của LHQ mô tả văn phòng này như là “khuôn khổ hợp tác rộng lớn giữa các quốc gia ở Nam bán cầu”. Văn phòng trên bị cáo buộc đã nhận các khoản quyên góp từ GSF.
Theo VOA News, ông Ashe, đại sứ của đảo quốc Antigua - Barbuda tại LHQ, cũng bị cáo buộc tham nhũng từ ít nhất hai tổ chức phi chính phủ và khai gian thuế với IRS. Dù không có tên trong đơn khiếu nại hình sự chống lại ông Ashe nhưng mô tả về hai tổ chức này phù hợp với tờ báo South-South News và GSF.
Sẽ có thêm người bị bắt
AFP cho biết ông Ashe cũng là đồng sáng lập và chủ tịch danh dự của GSF. Trên trang mạng của GSF cũng đề tên bà Edith Kutesa - vợ của cựu chủ tịch đại hội đồng Sam Kutesa là một thành viên trong ban giám đốc.
Ông Kutesa được chọn là người kế nhiệm của ông Ashe, tức là chủ tịch thứ 69 của Đại hội đồng LHQ trong bối cảnh ông đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng chống lại mình ở quê hương Uganda.
Đơn kiện còn tố cáo ông Ashe chia tiền hối lộ với thủ tướng Antigua - Barbuda để hỗ trợ lợi ích kinh tế của một nhóm các doanh nhân Trung Quốc tại đảo quốc vùng Caribê này.
Cùng bị bắt với ông Ashe là phó đại sứ Cộng hòa Dominica tại LHQ Francis Lorenzo. Ông Lorenzo cũng là người đứng đầu tờ báo South-South News vốn là tờ báo hợp tác chặt chẽ với LHQ, các cơ quan chuyên trách, chính phủ các nước, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và các tổ chức dân sự để thông tin về các dự án phát triển bền vững.
Nhân viên của tờ South-South News cho biết họ “thất vọng và sốc” khi hay tin về các cáo buộc chống lại ông Lorenzo cũng như khẳng định rằng họ không hay biết gì về các thỏa thuận hối lộ của ông.
Công tố viên Hoa Kỳ Preet Bharara cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục. “Tôi không bình luận về việc ai có thể là trung tâm của sự chú ý, ai có thể bị bắt. Hãy còn sớm và chúng tôi đang tìm kiếm một số thứ và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn thấy thêm những người khác bị buộc tội” - ông Bharara tự tin tuyên bố.
Theo AFP, ông Ashe cũng đã nhận hối lộ một xe sang, hai đồng hồ Rolex, quần áo may đo và thậm chí còn được “xây giúp” một sân bóng rổ nhỏ trong đất nhà riêng của ông ở bang New York. Nếu ông Ashe chịu nộp 1 triệu USD tiền thế chân để tại ngoại thì ông cũng vẫn bị yêu cầu nộp hộ chiếu và phải đeo còng điện tử để bên tư pháp kiểm soát việc di chuyển.