Thiếu vốn, yếu công nghệ, chưa chuyên nghiệp về quản trị cộng với bối cảnh khó khăn của thị trường tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều công ty tìm cách tháo gỡ bằng con đường liên kết với DN ngoại. Song một số DN chỉ mới chú tâm vào cửa thoát mà không tính đến việc giữ lại quyền làm chủ của mình.
Hướng đi thời khó
Theo thống kê kết quả kinh doanh năm 2012 của CTCP Bất động sản Ninh Vân Bay, dù doanh thu đến 205,958 tỷ đồng, đạt 117% so với năm 2011, nhưng do ảnh hưởng của bối cảnh khủng hoảng chung, một số dự án của công ty vẫn chưa theo đúng tiến độ, dẫn đến lợi nhuận bị âm. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty này báo lỗ.
Tuy nhiên, mới đây ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Ninh Vân Bay, hồ hởi chia sẻ đã tìm được "phao cứu sinh" từ sự góp vốn của Recapital Investments Pte.Ltd. (Singapore).
Cụ thể, đơn vị này đã mua lại 35,87% vốn điều lệ mới của Ninh Vân Bay với tổng trị giá 225 tỷ đồng. Nhờ vậy, Ninh Vân Bay đã có thể trả lãi vay ngân hàng, hoàn trả khoản vay 2 triệu USD từ các đối tác nước ngoài, chi 10 tỷ đồng để phát triển dự án Six Saigon River, 32 tỷ đồng cho dự án Emeralda Hội An và đầu tư 140 tỷ đồng vào dự án Emeralda Ninh Bình nhằm chấm dứt giai đoạn thi công để chính thức hoạt động từ tháng 5 này với đủ điều kiện để tiếp thị trên thị trường quốc tế.
Hợp tác với DN ngoại đang là xu hướng chung của nhiều DN Việt trong bối cảnh thiếu vốn, yếu công nghệ, kém sức đề kháng với suy thoái kinh tế.
Theo các DN đang rơi vào khó khăn, nếu cố tái cấu trúc cũng khó vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh và chỉ có cách liên kết với DN ngoại cải thiện được khó khăn ngay lập tức. Đáng nói là trong các thương vụ đó, DN lại không quan tâm đến tỷ lệ sở hữu của DN ngoại cần hạn chế ở mức nào để không đánh mất mình mà chỉ lạc quan vì cú bắt tay sẽ giúp họ không phải đối diện với khó khăn nữa, nhiều tiềm năng mở rộng thị phần sang các thị trường của đối tác.
Do vậy, thời gian qua đã có nhiều thương vụ gây rúng động thị trường như tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á là Semen Gresik của Indonesia đầu tư 230 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của CTCP Xi măng Thăng Long, Tập đoàn Xi măng Siam của Thái Lan mua lại 85% cổ phần nhà sản xuất gạch lát Prime Group với trị giá gần 5.000 tỷ đồng, Fortis Healthcare International của Ấn Độ mua 65% cổ phần của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Lotte (Hàn Quốc) mua lại hết cổ phần Công ty Minh Vân, Unicharm Co., Ltd đầu tư với tỷ lệ sở hữu lên tới 95% vốn điều lệ của CTCP Diana Việt Nam…
Hậu quả khó lường
Với những cái bắt tay cùng đối tác ngoại, DN nội đang rất phấn khởi vì có thể nâng vốn điều lệ của công ty, giải quyết những khó khăn trước mắt. Song các chuyên gia, hiệp hội lại lo nhiều hơn mừng trước nguy cơ DN ngoại sẽ thâu tóm, nắm giữ hết thị phần trong các ngành sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, theo Hội Vật liệu xây dựng, trong bối cảnh ngành xi măng đã phá vỡ quy hoạch, sản xuất dư thừa thay vì tái cấu trúc lại DN xi măng, hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn đủ sức cạnh tranh và làm chủ thị trường Việt Nam thì một số DN do thiếu năng lực quản lý, thiếu vốn… lại bán gần hết cổ phần cho DN nước ngoài.
Trước mắt, các DN chỉ thấy lợi ích nhưng về lâu dài, khi các công ty ngoại thôn tính được DN Việt sẽ gây tác động lớn đến môi trường lẫn an ninh biên giới do vị trí mỗi nhà máy xi măng đều gắn với an ninh quốc phòng. Hơn nữa, nhiều dự án còn nằm trong vùng nguyên liệu đá vôi hiếm nếu bán cho nước ngoài sẽ gây thất thoát tài nguyên quốc gia.
Bibica vẫn còn quyền quyết định "nhờ" chỉ bán cho Lotte 38% cổ phần. |
Trong khi đó, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bibica, đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm khi hợp tác với Lotte sau 5 năm liên kết, vì họ đang thể hiện quan điểm muốn biến Bibica thành công ty con của họ. Ông Chiến cho rằng, khi hợp tác với DN ngoại, nếu muốn giữ lấy công ty, DN nên hạn chế bán cổ phần trên 34%, tránh trường hợp DN Việt bị ngoại hóa.
Trước đây, khi mời Lotte về làm đối tác, Bibica chỉ mong muốn sẽ có sự hợp tác toàn diện từ quản lý, công nghệ, kỹ thuật, xuất nhập khẩu. Nhưng sau 5 năm hợp tác, phía Lotte bắt đầu đưa ra yêu sách đưa thêm Lotte vào trước tên gọi Bibica.
Theo các chuyên gia, việc Lotte mua cổ phần của Bibica là cách nhanh nhất để bước vào thị trường bánh kẹo Việt Nam mà không phải tốn công sức xây dựng từ đầu, chỉ việc sản xuất ngay trên nhà máy Bibica miền Đông, khai thác mạng lưới phân phối hơn 20.000 cửa hàng Bibica đã xây dựng. Tuy vậy, do số cổ phần của Lotte tại Bibica chỉ mới đạt 38% nên Bibica vẫn còn nắm quyền quyết định và đang lên kế hoạch chấm dứt hợp tác với Lotte khi hợp đồng sản xuất hết hạn trong năm nay.
Nhưng với những DN đã bán trên 40% cổ phần cho DN ngoại, cửa thoát sẽ rất hẹp, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều DN rơi vào cảnh "hồn Trương Ba, da hàng thịt", DN Việt sẽ dần thay đổi vị trí từ ông chủ trở thành người làm thuê ngay trong công ty mình.