Liên kết xuyên suốt

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta đạt khoảng 11 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 10%.

Tuy nhiên, dù kết quả đạt được có cao hơn nhưng trên thực tế xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn bất ổn, chưa được hỗ trợ, chưa có liên kết giữa các bên để giành lấy quyền chủ động. Thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là việc có hơn 40% DN ngành thủy sản đã rơi vào tình trạng phá sản, đóng cửa.

Trước tình trạng khó khăn chung, các hiệp hội ngành nông sản đang đặt ra bài toán tái cấu trúc toàn diện để ngành phát triển theo hướng bền vững về cán cân cung-cầu và ổn định thị trường.

Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với ngành thủy sản, tái cấu trúc là phải liên kết xuyên suốt từ khâu tạo giống, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu để kiểm soát chuỗi giá trị sản phẩm.

Muốn làm được điều này, DN phải có sự giúp sức của nhiều người, từ nông dân đến chuyên gia trong khâu chọn giống, chọn thức ăn, nuôi trồng để đảm bảo nguyên liệu, sự hỗ trợ vốn của nhà đầu tư, ngân hàng để tạo nguồn vốn dồi dào phát triển sản xuất kinh doanh, cần có đối tác chịu chia sẻ lợi ích, tạo thị trường xuất khẩu ổn định…

Đối với ngành gạo, cà phê cũng tương tự, muốn tái cấu trúc cũng phải đi từ gốc vấn đề, phải kiểm soát được chuỗi giá trị toàn diện của sản phẩm mới có thể chủ động điều tiết giá cả, lượng sản phẩm theo nhu cầu thực tế để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu trong những thời điểm khác nhau.

Riêng với cà phê, DN cần phải chủ động liên kết ký hợp đồng mua sản phẩm trước với nông dân để họ cam kết bán hàng cho DN trong nước. Tóm lại, điều quan trọng là DN phải xây dựng lại mối quan hệ với nông dân. Nhiều năm qua, nông dân đã có phần mất lòng tin với DN vì khi được mùa DN thu mua giá thấp còn mất mùa mới bán được giá cao. Giữa 2 bên ít khi tìm được tiếng nói chung và phần thiệt thòi thường thuộc về nông dân.

Để tái cấu trúc ngành nông sản DN cần cải thiện mối quan hệ với người nông dân, hỗ trợ nông dân từ khâu chọn giống và thực hiện quy trình nuôi phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng mà DN hướng đến, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như cam kết thu mua sản phẩm ổn định để người nông dân cảm thấy an tâm khi bắt tay với DN.

Nếu DN phối hợp tốt với nông dân, không chỉ những khó khăn trước mắt sẽ có hướng giải quyết mà trong tương lai, DN có thể gia tăng sự chủ động trên thị trường trong nước lẫn thế giới.

Các tin khác