Như vậy, đây là trận động đất thứ 4 xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh - Cao Bằng chỉ trong 2 ngày 25 và 26-11.
Trước đó, vào lúc 23 giờ 02 ngày 25-11, một trận động đất có độ lớn 2,6 độ richter cũng đã xảy ra tại đây (có vị trí tại 22,806 độ vĩ Bắc - 106,540 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Còn sáng 25-11, đã có 2 trận động đất liên tiếp xảy ra cũng tại Trùng Khánh, trong đó trận xảy ra lúc 8 giờ 18 có độ lớn tới 5,4 độ richter.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại với các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị các bộ liên quan và ban chỉ huy các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến công trình xây dựng, nhất là hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn; chỉ đạo các địa phương, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang; rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, để có phương án ứng phó phù hợp.
Ngày 26-11, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to. Ngày 27-11, từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, có khả năng kéo dài đến ngày 29-11.
Tại TPHCM và khu vực ven biển Nam bộ, trong 2 ngày 27 và 28-11, triều cường đạt đỉnh. Mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn lên cao, trong đó tại hạ lưu sông Cửu Long dao động từ báo động 1 đến báo động 2; tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) vượt báo động 3. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, ven sông ở TPHCM.