Theo đó, từ 1-1-2022 Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực, trong đó có quy định phân loại rác tại nguồn, nhất là ở hộ gia đình, kèm theo đó là những chế tài, như công ty dịch vụ công ích có quyền từ chối thu gom rác, nếu nơi giao rác như hộ gia đình không phân loại theo quy định. Theo Khoản 1 Điều 75 luật này, rác thải của hộ gia đình, cơ quan phải được phân ra 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tôi xin nói tiếp chủ đề này. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác… từ hộ gia đình và cá nhân được tính dựa trên khối lượng và thể tích chất thải ra. Có nghĩa sẽ không còn cào bằng tiền thu gom rác giữa người dân với nhau, ai xả rác nhiều phải đóng tiền nhiều, ai xả rác ít đóng tiền ít. Thế nhưng lực lượng thu gom đều cho rằng không thể vừa đi thu gom vừa mang theo cân... để cân rác thải. Như vậy, cách trả tiền thu rác theo khối lượng và thể tích sẽ rất công bằng… trên lý thuyết nhưng bất khả thi khi thực hành.
Thực tế, câu hỏi làm sao để "ai xả rác nhiều phải đóng tiền nhiều, ai xả rác ít phải đóng tiền ít" đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến đầu năm 2022, khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, vẫn chưa thực hiện được. Điều này chứng tỏ điểm nghẽn nằm ở giải pháp kỹ thuật, không phải ở chủ trương. Lời giải cho câu hỏi này nên tìm từ những ý tưởng của người dân, qua đó lựa chọn những sáng kiến để xây dựng kịch bản thực hiện. Sau đây là gợi ý của một người dân với ý tưởng "bán túi đựng rác" thay cho thu tiền gom rác hàng tháng (đối với rác sinh hoạt của từng hộ dân), cách làm cụ thể như sau:
Các đơn vị thu gom rác sinh hoạt theo khu vực có thể tự sản xuất các loại túi đựng rác có kích cỡ, sức chứa khác nhau, theo mẫu mã, màu sắc riêng để không lẫn với các đơn vị khác. Các túi này được bán cho hộ gia đình với giá tương đương giá dịch vụ thu gom số lượng rác đựng đầy túi (do rác sinh hoạt tương đối giống nhau nên có thể tính theo thể tích thay cho khối lượng). Loại túi thứ hai dùng cho loại rác có thể tái chế (dạng ve chai) sẽ bán giá rẻ hơn. Như vậy, các hộ gia đình chỉ cần mua sẵn các loại túi đựng rác đó - coi như đã trả trước tiền gom rác - nếu tháng nào ít rác sẽ dùng ít túi và tiết kiệm được tiền. Đối với các đơn vị thu gom cũng chỉ cần bán các túi rác - tức thu tiền trước và thu lại đúng loại túi của mình khi có đầy rác, không cần thu tiền hàng tháng.
Cách này giống như bán thẻ cào cho điện thoại di động, hộ nào xả nhiều rác tốn nhiều tiền mua túi hơn, đơn vị thu gom nào bán được nhiều túi thu được nhiều tiền hơn. Nếu làm theo cách này có thể đạt được 2 mục tiêu. Một là, công bằng hơn giữa những hộ xả rác nhiều và xả rác ít. Hai là, đơn vị thu gom tiết kiệm được thời gian thu tiền hàng tháng của từng hộ, vấn đề quản lý tài chính cũng đỡ phức tạp hơn, khi chỉ cần căn cứ vào số lượng túi bán ra để biết sản lượng thu gom tăng hay giảm.
Trên đây mới là phác họa một số nét chính của ý tưởng, chưa phải là nghiên cứu kỹ tất cả chi tiết và những gì có thể phát sinh khi thực hiện. Do vậy nếu có ý định thí điểm, cơ quan chức năng nên tổ chức nghiên cứu gồm một số thành phần như chuyên gia của Sở Tài nguyên - Môi trường, đại diện chính quyền địa phương, đơn vị thu gom rác và đại biểu nhân dân khu phố… Trên cơ sở đó có thể đánh giá mức độ khả thi của ý tưởng.
Rác sinh hoạt là một phần tất yếu của đô thị. Nó không chỉ có thể trở thành vấn nạn môi trường, còn có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội, như tình trạng ứ đọng rác ở thủ đô Roma của Italia đã từng khiến nội các chính phủ nước này phải từ chức. Tuy nhiên nếu quản lý thu gom và xử lý tốt, rác sinh hoạt có thể biến thành nguyên liệu cho nhà máy điện rác và công nghiệp sản xuất phân bón cho nông nghiệp. Với dân số hơn 10 triệu người, TPHCM có khối lượng rác sinh hoạt khổng lồ, sự lợi hại của nó tùy thuộc vào năng lực quản lý và xử lý của cơ quan chức năng, cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân.