Hệ thống điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận đăng ký
Liên quan tới việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo theo hạn ngạch, chiều tối 13-4, TCHQ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn theo thông báo tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10-4 của Văn phòng Chính phủ, ngày 10-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020, có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11-4, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch.
Cụ thể, thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan).
Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Theo TCHQ, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, TCHQ cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Kể từ 24 giờ ngày 11-4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn)
Qua theo dõi, thống kê của TCHQ trong thời gian từ 24 giờ ngày 11-4 đến 19 giờ 34 phút ngày 12-4 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại 13 chi cục hải quan với tổng số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu 399.999,73 tấn;
Cần minh bạch hạn ngạch xuất khẩu
Tuy nhiên, sáng 14-4, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công thương xem xét những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.
Thu mua lúa gạo ở ĐBSCL
Cụ thể, sáng 12-4, TCHQ đã cho khai hải quan (việc này không được thông tin rộng rãi chính thức trước đó) và chỉ vài giờ, tổng lượng khai đã lên đến 399.989 tấn gạo (tức chỉ còn 11 tấn), nên nhiều doanh nghiệp không thể khai báo hải quan được do không biết thông tin này.
Riêng tỉnh Long An chỉ có 7/24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai báo hải quan được, với số lượng gạo khai báo chỉ khoảng 8.500 tấn, con số rất khiêm tốn so với trung bình xuất hơn 50.000 tấn/tháng). Do số lượng gạo xuất khẩu đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính sẽ xuất trong tháng 4. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đóng xong hàng hóa tại cảng, nhưng vẫn không khai báo hải quan được, do không biết thời gian mở cho khai hải quan.
Các doanh nghiệp lo ngại thời gian khai hải quan trên chưa công bằng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, Sở Công thương tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công thương trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính về công khai minh bạch thời gian khai hải quan, có văn bản triển khai thực hiện cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện.
“Cần thấy rằng, khả năng ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp khác nhau, nên xem xét phân bổ tỷ lệ hạn ngạch cho từng doanh nghiệp theo thành tích xuất khẩu 6 tháng trước đó để mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội xuất khẩu trong tháng 5, nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua” - ông Lê Minh Đức nói.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), bức xúc: “Chúng tôi đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở trước đó, nhưng đến 21 giờ đêm 11-4 hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở; công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai, thông quan gạo của Hải quan.
Đến sáng chủ nhật, 12-4, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai, hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu (400.000 tấn). Sau đó mới biết, Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 11-4 đến 3 giờ sáng 12-4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn”.
Theo ông Bình, từ trước ngày 24-3 đến nay, Công ty Trung An phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng; trong khi các doanh nghiệp khác ở ĐBSCL cũng vậy. Hiện tại đang có mấy trăm ngàn tấn gạo nằm tại các cảng đang chờ thông quan. Vì vậy khi Hải quan mở tờ khai, việc đầu tiên phải cho các lô gạo của doanh nghiệp đã và đang khai dở dang được xuất khẩu trước; sau đó mới cho khai mới, như vậy sẽ hợp lý hơn…
“Chúng tôi đã làm văn bản cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét có biên pháp ngăn chặn gấp nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho các doanh nghiệp…” - ông Bình đề xuất.
Tại Tiền Giang, Vĩnh Long… nhiều doanh nghiệp cũng kêu than vì số lượng gạo tồn kho nhiều, nhưng không kịp mở tờ khai hải quan lần này, bởi không thực hiện kịp, sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bảo quản, thu mua và xuất khẩu gạo thời gian tới.