Bé Khánh An, quận 8, TPHCM, học phụ đạo môn tiếng Anh trong dịp hè 2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bổ sung công cụ dạy học
Chia sẻ với PV Báo SGGP, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, năm học 2021-2022, dạy học trực tuyến được tổ chức bài bản và đầy đủ hơn so với năm học trước. Trong tuần này, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên ở từng bộ môn.
Các phần mềm dạy học trực tuyến sẽ được mở rộng gồm Zoom, Google Meet và Microsoft Team, giáo viên có thể chủ động lựa chọn phần mềm phù hợp để dạy. Để tránh tình trạng người lạ truy cập vào lớp học như năm ngoái, nhà trường đã cải tiến phần mềm dạy học. Giáo viên sẽ tổ chức và quản lý lớp học theo từng tài khoản đăng ký, chỉ những học sinh và phụ huynh có đăng ký mới có thể tham gia. Một số bài học sẽ được quay video clip, đăng tải website trường để học sinh có thể theo dõi, tránh trường hợp nghe giảng trực tuyến chưa hiểu bài… Ở tất cả khối lớp, thời khóa biểu được sắp xếp không quá 4 tiết/buổi học, tổ chức xen kẽ giữa học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày. Đối với lớp 6, phụ huynh và học sinh sẽ nhận được thông báo xếp lớp vào cuối tuần này. Từ ngày 1 đến 5-9, giáo viên chủ nhiệm tổ chức hướng dẫn cho học sinh làm quen trường, lớp và phương pháp học tập mới ở bậc THCS.
Tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), Phó hiệu trưởng Tống Thị Mai Hương cho biết, phụ huynh sẽ trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ sắp xếp thời gian và hình thức học tập phù hợp như gửi video clip bài giảng, nhận bài tập qua email, viber, zalo… Giáo viên có thể tăng hiệu quả tiết dạy thông qua việc tổ chức các hình thức tương tác như cho học sinh trả lời nhanh qua ô tin nhắn trong phần mềm học trực tuyến, gọi học sinh phát biểu, tổ chức các trò chơi học tập như rung chuông vàng, đuổi hình bắt chữ, giải ô chữ, bài tập IQ…
ATM điện thoại thông minh
Giữa tuần qua, trong buổi họp hội đồng sư phạm, vấn đề khiến ban giám hiệu và các thầy cô Trường THCS Minh Đức (quận 1) băn khoăn là tổ chức dạy học như thế nào đối với những học sinh nghèo không có máy tính, điện thoại tham gia học trực tuyến. Sau khi cân nhắc, cô hiệu trưởng Trần Thúy An cùng nhóm giáo viên tin học đã nảy ra ý tưởng xây dựng “ATM điện thoại thông minh” với việc huy động điện thoại, máy tính cũ đã qua sử dụng của giáo viên, phụ huynh trong trường nhằm tạo cơ hội cho học sinh nghèo được tiếp tục học tập. Theo đó, phụ huynh muốn đóng góp có thể truy cập vào đường link cho trước, để lại thông tin để nhà trường liên hệ lại, hỗ trợ nhau trao những phần quà ý nghĩa đến những học sinh khó khăn đang thiếu phương tiện học tập.
Trong khi đó, Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) gửi thông báo đến toàn thể phụ huynh với nội dung: “Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hiện nay thư viện chưa thể phục vụ sách giáo khoa cho học sinh. Vì vậy, nhà trường gửi đến quý thầy cô và học sinh đường link truy cập sách giáo khoa điện tử để tham khảo trước”. Theo đó, tất cả sách giáo khoa đều được số hóa, kể cả sách bài tập và tài liệu dạy học dành cho giáo viên. Phụ huynh và học sinh chỉ cần vào địa chỉ website, không cần đăng nhập hay mở tài khoản cá nhân, tải file mềm sách giáo khoa điện tử về máy tính trong thời gian chờ sách giáo khoa bản giấy được chuyển đến.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021-2022, dạy học trực tuyến tại các trường THCS và THPT sẽ được thực hiện theo hình thức chủ đề, xây dựng các hoạt động học tập theo hướng linh động, tinh gọn theo chương trình. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, bản báo cáo quá trình học tập của học sinh, các bài thu hoạch…
Nếu học sinh tiếp tục không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Sở sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý, đồng thời tổ chức hướng dẫn các phòng GD-ĐT quận huyện, các cơ sở giáo dục phổ thông kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hình thức trực tuyến.