Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông tin về kết quả đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Công ty Cổ phần Tiki, đơn vị vận hành trang thương mại điện tử Tiki - "Amazon của Việt Nam".
Theo đó, sau gần ba tháng thực hiện, từ 16-3 đến 13-6, Tiki đã huy động được 1.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, thông qua hình thức phát hành riêng lẻ. Trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 13% mỗi năm. Trái phiếu được trả lãi định kỳ một tháng 1 lần.
Tổng cộng 139 nhà đầu tư gồm 2 tổ chức, 135 cá nhân trong nước và 2 cá nhân nước ngoài tham gia mua trái phiếu của Tiki. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua hơn 90% khối lượng trái phiếu phát hành của sàn thương mại điện tử này.
Trong bản công bố thông tin, Tiki cho biết việc phát hành trái phiếu được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của công ty bao gồm tài trợ nghiên cứu phát triển, chi phí quản lý vận hành doanh nghiệp, chi phí lương nhân viên, trả tiền cho nhà cung cấp, mua sắm thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Tiki dự kiến sử dụng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của công ty gồm đầu tư vào công ty con, đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi, hệ thống lưu trữ - vận chuyển hàng hóa, tài trợ quảng bá tiếp thị.
Được biết, trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng 2.156.465 cổ phần Tiki. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 26-2-2021, giá trị một cổ phần Tiki là 665.245 đồng.
Do đó, giá cổ phần được điều chỉnh tương ứng là 602.838,5 đồng, tương ứng giá trị tài sản bảo đảm là hơn 1.300 tỷ đồng. Với con số này, mức định giá của Tiki được xác định khoảng 13.800 tỷ đồng (tương đương hơn 600 triệu USD).
Lỗ "chồng" lỗ giai đoạn 2016 -2020
Về tình hình kinh doanh, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử, với các đối thủ như Shopee, Lazada, Sendo... Tiki chưa có lãi và vẫn đang phải "đốt tiền" để tranh giành thị phần.
Theo đó, năm 2016 Tiki báo lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, tăng lên 282 tỷ năm 2017 và 756 tỷ đồng năm 2018. Thậm chí, công ty báo lỗ khủng lên tới 1.765 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, Tiki bất ngờ chỉ còn lỗ 3,8 tỷ đồng - theo báo cáo thường niên của VNG.
Lỗ chồng lỗ qua các năm, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng bắt đầu âm từ năm 2017. Cùng với đó, quy mô nợ phải trả của Tiki cũng phình to gấp gần 3 lần chỉ trong 3 năm. Cuối năm 2019, nợ phải trả của Tiki 991 tỷ đồng, trong khi năm 2017 chỉ 336 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3-2021, ông Trần Ngọc Thái Sơn (sáng lập kiêm CEO) đang sở hữu 20,1% cổ phần Tiki, tương ứng khối tài sản tạm tính 121 triệu USD. CTCP VNG - một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam, sở hữu 20,2% cổ phần.
Các cổ đông nước ngoài nắm giữ đến hơn 49% cổ phần Tiki, trong đó JD.Com sở hữu 18,2%, Ubiquitous Traders sở hữu 9,9%, Success Elite Holdings sở hữu 4,5%, Finup Asia Investment I sở hữu 3,7%...