Công trình… đắp chiếu
Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Hữu Nghĩa- Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Lê Thành cho biết, thời gian qua thủ tục liên quan đến đầu tư dự án bất động sản triển khai rất chậm.
Cụ thể công ty hiện đang vướng 3 dự án, trong đó có dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng một số thủ tục liên quan đến tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính… vẫn chưa xong. Một số dự án đang triển khai thì hồ sơ từ vài tháng qua hầu như không “nhúc nhích” gì.
Thí dụ dự án Lê Thành An Lạc (Bình Chánh) do vướng hệ số sử dụng đất và quy hoạch nên doanh nghiệp mất mấy năm xin điều chỉnh để cho phù hợp với dự án trên cơ sở đó mới xin được chủ trương đầu tư đầu tư dự án. Sau nhiều năm làm việc với quận và các sở ngành để điều chỉnh, cuối cùng Văn phòng UBND TPHCM cũng có văn bản tuyền đạt ý kiến của lãnh đạo TP đồng ý với việc điều chỉnh này. Trên cơ sở đó huyện Bình Chánh mới thực hiện việc điều chỉnh. Tuy nhiên từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay hồ sơ không được triển khai gì thêm.
Ngoài dự án trên, hiện nay Lê Thành cũng đang triển khai một dự án khác là Lê Thành Tân Tạo A nhưng hồ sơ cũng “đứng hình” do dịch. “Hiện nay việc đi lại của doanh nghiệp, việc tiếp nhận của cơ quan nhà nước để giải quyết hồ sơ rất khó khăn… Hơn nữa hầu hết các cơ quan lo chống dịch nên hồ sơ không có chuyển động gì. Chúng tôi hy vọng sau dịch mọi việc sẽ chuyển động nhanh chóng hơn” - ông Nghĩa chia sẻ.
Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM cũng cho biết, hiện doanh nghiệp này đang triển khai 2 dự án tại TPHCM. Về mặt thủ tục cơ bản đã xong nhưng công tác thi công tại công trường phải dừng lại từ nhiều tháng nay.
“Việc dừng thi công ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của chúng tôi, chúng tôi trễ hẹn với khách hàng đồng nghĩa với chi phí tăng cao do phát sinh lãi vay, nuôi bộ máy gián tiếp nhưng không làm việc…” - vị chủ tịch chia sẻ.
Thời gian qua các dự án bất động sản không chỉ ngưng trệ về mặt thủ tục mà còn bị ngưng trệ ngoài công trường, khó khăn chồng chất ảnh hưởng không chỉ của chủ đầu tư mà còn kéo theo hệ lụy cho rất nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, ngân hàng… cũng như người lao động, khách hàng, nhà đầu tư.
Lo thiếu hụt nguồn cung
Với tình trạng nói trên, nhiều chuyên gia nhận định nguồn cung nhà đất ra thị trường trong thời gian tới giảm sút so với cùng kỳ là điều khó tránh khỏi. Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TPHCM và vùng phụ cận quý 2-2021 của CTCP DKRA Việt Nam cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 dẫn đến nhiều địa phương trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khiến thị trường bất động sản chỉ hoạt động chủ yếu trong tháng 4 và đầu tháng 5. Đáng chú ý là sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ.
Tại TPHCM, với nguồn cung mới ngày càng ít, mặt bằng giá sơ cấp các phân khúc có sự điều chỉnh tăng. Cụ thể, thị trường căn hộ TPHCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý 1-2021, trong đó nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%. Mức giá sơ cấp tại TPHCM trong nửa đầu quý 2 tăng khoảng 3-5%, do các dự án được giới thiệu ra thị trường chủ yếu thuộc những giai đoạn tiếp theo, sắp hoàn thành hoặc dự án có quy hoạch đồng bộ.
Tương tự, nguồn cung mới nhà phố, biệt thự khu vực TPHCM có sự sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi phần lớn thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 bùng phát lần 4. Mặt bằng giá sơ cấp trong quý có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở một số dự án, đặc biệt là tại thị trường TPHCM do nguồn cung hạn chế trong khi thị trường thứ cấp không có nhiều biến động.
Theo ghi nhận từ các công ty khảo sát thị trường, nửa đầu năm thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TPHCM (phân khúc trung cao cấp và cao cấp) và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.
Tuy nhiên, dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản trong nước.