Lo không kịp bỏ sổ hộ khẩu từ 1-7-2021

(ĐTTCO) - Tại Hội thảo góp ý Luật Cư trú (sửa đổi), do Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức ngày 9-9, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ không kịp bỏ sổ hộ khẩu từ 1-7-2021 như phương án mà Quốc hội đang lấy ý kiến. 

Bởi không phải địa phương nào cũng đủ sức hoàn thành đúng thời hạn trên và cũng khó rà soát hết tất cả các lĩnh vực mà quy định này tác động để kịp thời điều chỉnh.

TPHCM sẵn sàng, còn những nơi khác?

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới, từ thủ công (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các loại văn bản) sang quản lý bằng số hóa (số định danh cá nhân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú). 

Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá việc thay đổi này là tiến bộ, phù hợp với xu thế, đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân, đồng thời cũng thuận tiện hơn trong việc quản lý. Tuy vậy, để thực hiện được theo phương thức này thì phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cấp đầy đủ số định danh cá nhân cho mọi công dân. Đồng thời, tất cả cơ quan đăng ký cư trú theo quy định mới của luật (cơ quan công an từ cấp xã) phải được trang bị đủ máy móc, thiết bị, hạ tầng mạng và có cán bộ chiến sĩ đủ năng lực để thực hiện việc cập nhật, quản lý, xử lý thông tin về cư trú trên hai hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên. Những điều kiện này không dễ để thực hiện.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành hai hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú để có thể chính thức vận hành từ ngày 1-7-2021. Khẳng định sẽ chấp hành chủ trương chung và lộ trình mà Bộ Công an đưa ra, nhưng Trung tá Trần Hoài Anh, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, dưới góc độ thực tiễn ông quan tâm nhiều hơn đến phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31-12-2022.

Lo không kịp bỏ sổ hộ khẩu từ 1-7-2021 ảnh 1Hội thảo góp ý Luật Cư trú (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức ngày 9-9 

Theo Trung tá Trần Hoài Anh, TPHCM là đô thị lớn, có đủ điều kiện về hạ tầng, nhân lực để đảm bảo tiến độ. Nhưng có những tỉnh thành khác điều kiện khó khăn hơn, liệu có thể hoàn thành? Nếu chỉ một số địa phương bỏ sổ hộ khẩu, còn những nơi khác chưa bỏ kịp, khi đó sẽ phát sinh nhiều bất cập, phiền hà. Chẳng hạn, có thể phải cấp giấy chứng nhận là đã bỏ sổ hộ khẩu để người dân đi làm thủ tục ở các địa phương khác. Theo ông, nếu thời hạn này giãn đến ngày 31-12-2022 sẽ thuận lợi hơn cho người dân.

Nhiều tác động lớn chưa tính đến

Ý kiến của Trung tá Trần Hoài Anh được nhiều đại biểu tại hội thảo đồng tình. Theo Chánh tòa Dân sự TAND TPHCM Phùng Văn Hải, đối với hoạt động của ngành tòa án, xác định “nơi cư trú” rất quan trọng, để từ đó xác định thẩm quyền của tòa. Phải có sổ hộ khẩu, hoặc xác nhận của công an phường về việc cư trú để làm căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết.

Ông Hải đặt thêm vấn đề, mức độ được khai thác thông tin của tòa án tới đâu, nếu cổng thông tin giữa ngành tòa án và ngành công an chưa đồng bộ, thì tòa có được phép tự truy cập để lấy thông tin cư trú của đương sự hay không? Do vậy, ông cho rằng cần có quy định chuyển tiếp, hoặc quy chế phối hợp liên ngành giữa công an và tòa án. 

Cũng theo ông Phùng Văn Hải, nếu bỏ sổ hộ khẩu sẽ liên quan đến hàng loạt giao dịch dân sự và quan hệ xã hội. Khi ra công chứng, nếu cơ sở dữ liệu của công chứng chưa thể đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, người dân chỉ đưa số định danh cá nhân thì có thể công chứng hợp đồng được hay không? Mặt khác, người dân có hộ khẩu ở tỉnh, nhưng sở hữu tài sản tại TPHCM, lúc đó nếu không có sự đồng bộ, kết nối giữa các tỉnh thành thì làm sao chứng minh? Đại diện Sở Tư pháp TPHCM - cơ quan quản lý hoạt động công chứng cũng cho biết nếu bỏ hộ khẩu ngay mà cơ sở dữ liệu chưa kịp đồng bộ, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho hay, dự án luật mới chỉ đề cập đến 4 luật sẽ được điều chỉnh cùng với Luật Cư trú (sửa đổi), gồm Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thủ đô và Luật Lý lịch tư pháp. Còn các luật khác liên quan đến hộ gia đình và các loại giao dịch cần có hộ khẩu thì chưa thấy đề cập.

“Do vậy, các ngành cần rà soát kỹ những nội dung liên quan để đề xuất, tránh việc sau này khi luật đã có hiệu lực, sẽ phải mất vài năm để sửa đổi thì rất phức tạp”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết lưu ý.

Tạo áp lực để thực hiện khẩn trương

Bên cạnh ý kiến đề nghị cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết ngày 31-12-2022, thì cũng có ý kiến nhất trí việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 1-7-2021, là thời điểm luật có hiệu lực thi hành.

Theo các ý kiến này, quy định như vậy sẽ tạo áp lực để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tích cực, khẩn trương hơn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử. Với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp đang yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, rất cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, bảo đảm thực hiện thông suốt từ 1-7-2021.

Các tin khác