Người trẻ tranh nhau mua từng quyển báo có in hình thần tượng, thậm chí nhịn ăn nhịn uống mua vé để được một lần gặp họ. Làn sóng này đã kéo dài được gần 2 thập niên, cho đến khi một đối thủ đáng gờm, đó là thần tượng phim, nhạc Trung Quốc xuất hiện và có sức lan tỏa lớn hơn “người tiền nhiệm” nhiều lần.
Vài năm trở lại đây, thị trường giải trí Trung Quốc rất được lòng khán giả Việt. Những bộ phim như Tam sinh tam thế Thập lý đào hoa, Diên hy công lược, Hậu cung Như Ý truyện trong thời điểm ra mắt đã rất được yêu thích. Bên cạnh những bộ phim chất lượng, vẫn có những phim nhạt nhòa, thiếu chỉn chu, nhưng khán giả trẻ vẫn si mê bất chấp. Nói đến phim tình cảm, chúng ta thường nhớ đến Hàn Quốc, nhưng giờ đây, xứ sở kim chi cũng phải nhường một bước với thể loại ngôn tình Trung Quốc.
Người trẻ Việt chụp hình cưới trong trang phục truyền thống Trung Quốc.
Khán giả trẻ Việt bắt đầu nhắc nhiều hơn đến những diễn viên Trung Quốc, nhiều diễn viên còn được khán giả theo dõi sát sao, cập nhật từng hành động, trạng thái của thần tượng. Chỉ cần thần tượng có dấu hiệu thân thiết với một ai đó, ngay lập tức “sóng gió” sẽ nổi lên. Người thuận mắt thì chỉ tiếc vì thần tượng có người yêu, còn không thuận mắt sẽ dùng ngay 1.001 cách để tấn công, chửi bới, sỉ nhục.
Người hâm mộ sẵn sàng lập ra những diễn đàn, fanpage với mong muốn thần tượng kết thúc với người yêu của thần tượng và đến với người mà fan yêu thích. Còn có những trường hợp, người hâm mộ tự vẽ ra cả một câu chuyện tình giữa những nhân vật trong phim, có thể là một cặp nam nữ, đôi khi lại là nam với nam hoặc nữ với nữ, bất chấp ngoài đời thực cả hai không mấy thân thiết.
Điện ảnh còn góp phần đưa văn hóa Trung Hoa đến gần hơn với giới trẻ Việt. Những bộ Hán phục, triều phục, trang sức được rất nhiều bạn trẻ săn đón tìm mua. Nhiều người còn bất chấp chi phí cao, đặt mua bản sao của những chiếc trâm cài, quạt giấy từng xuất hiện trong phim. Hình ảnh những bạn trẻ Việt xuất hiện trong Hán phục cũng không còn xa lạ.
Nhưng khác với trào lưu cosplay nhân vật anime cách đây vài năm, trào lưu diện Hán phục đã có những tác động trực tiếp đến văn hóa Việt Nam. Cổ phục và áo dài Việt Nam có những nét tương đồng với trang phục của Trung Quốc nên đã có không ít bạn tạo nên những bộ trang phục có phom dáng của trang phục truyền thống nhưng không tài nào nhìn ra bản sắc Việt mà lại đậm chất cổ trang Trung Quốc.
Và khi trào lưu Tik Tok (nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc) bùng nổ, giới trẻ Việt từ thần tượng diễn viên bắt đầu thần tượng luôn cả văn hóa nước bạn. Những bài hát trên Tik Tok Trung Quốc được xuất hiện liên tục đến mức đi đến đâu cũng nghe, chỉ cần nhạc vang lên sẽ có rất nhiều bạn trẻ ngân nga theo: “I see the monster, I see the pain…” trong vô thức.
Không chỉ âm nhạc, những đoạn clip ngắn trên Tik Tok cũng rất được ưa thích. Có hẳn những trang, fanpage trên Facebook cập nhật những clip mới mỗi ngày và thu hút hàng ngàn lược xem và theo dõi. Không khó để bắt gặp nhưng bạn trẻ ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để xem những đoạn clip này.
Và dĩ nhiên, những người làm clip cũng sẽ trở thành thần tượng, gần đây nhất có thể nói đến những cái tên như Tiểu Trạch Ca, Môn Thúc, Nam Tịch, Nhị Thần… khiến nhiều người trẻ Việt mê tít. Hiệu ứng này đã “giúp” nhiều người muốn câu like nhưng lười sáng tạo, lấy nội dung của những clip đó quay dựng lại và đăng lên trên trang Tik Tok của mình. Hành động này ngày càng diễn ra nhiều trên mạng xã hội và YouTube Việt.
Phong cách thời trang hiện đại của Trung Quốc cũng đang được các bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng. Không ít cặp đôi chọn chụp ảnh cưới trong trang phục truyền thống của Trung Quốc cho khác người và hợp trào lưu. Nhiều bạn bất chấp phí vận chuyển cao ngất trời để mua những bộ quần áo thiết kế từ Trung Quốc hoặc trên Taobao.
Theo từng giai đoạn sẽ có những trào lưu nhất định, như trước đây là Hàn Quốc, trước nữa thì có anime, truyện tranh Nhật Bản nhưng cũng chỉ ở mức độ yêu thích và thần tượng. Với sự phát triển như hiện nay, các bạn càng dễ dàng tiếp cận hơn với giới thần tượng và văn hóa Trung Quốc qua phim ảnh, mạng xã hội và các sản phẩm tiêu dùng. Nỗi lo “Hàn hóa” chưa tan, nỗi lo “Trung hóa” ập tới gây nên những lo ngại với lối sống của người trẻ Việt.