Chiều qua 19-9 phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ.
![]() |
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong |
Theo nhận định của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 9 người bị xử lý hình sự, 31 người bị xử lý kỷ luật. Số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can; Viện KSND thụ lý kiểm sát điều tra 225 vụ, 450 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng báo cáo mới đưa ra những nhận định chung chung. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý vấn đề nổi lên là “tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục”.
Cũng theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, việc phát hiện tham nhũng và kiến nghị xử lý về hình sự thông qua công tác thanh tra tuy có tăng về số vụ nhưng lại giảm về số đối tượng. Công tác kiểm toán trong năm qua không chuyển vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng sang cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của đơn vị mình. Điều đáng nói, trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Trong khi khả năng phát hiện tham nhũng còn yếu, những vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng lại chưa được xử lý nghiêm.
Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp, đa số vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật; án tham nhũng được đình chỉ ở một số địa phương còn cao. Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn.
Trước đó, UBTVQH cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong năm 2012, cùng với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực còn lãng phí, bất cập như trong quản lý sử dụng đất đai, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chính phủ đánh giá DNNN “hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước”, nhưng cơ quan thẩm tra cho rằng “hiệu quả kinh doanh của khối DNNN thấp, chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế".
Dẫn chứng được đưa ra là tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ ở một loạt tập đoàn, tổng công ty lớn như Petrolimex, EVN, Vinalines… Mặt khác, các DNNN chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng.
Đặc biệt từ năm 2009 đến cuối năm 2011, cung cầu mất cân đối, hàng hóa tồn kho lớn, chậm luân chuyển, gây áp lực làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, cản trở sự lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế, gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế năm 2012 và những năm sau.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chấn chỉnh tình hình. Cụ thể, cần quy định rõ những nội dung về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời rà soát về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật.