“Lộ Vòng Cung” ngày ấy, “vành đai xanh” hôm nay

(ĐTTCO) - Trong chuyến về thăm chiến trường xưa lộ Vòng Cung giữa tháng 3 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Chính ủy Quân khu 9 và Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 9, cùng bồi hồi nhận xét: “Thật khó nhận ra vùng đất tranh chấp vô cùng ác liệt “đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” ngày trước, nay đổi thay quá nhanh, quá nhiều”.
Khách du lịch trong khu du lịch Vàm Xáng.
Khách du lịch trong khu du lịch Vàm Xáng.
Vượt lên từ vùng đất trắng
“Sau giải phóng 30-4-1975, địa bàn Long Tuyền (huyện Bình Thủy, TP Cần Thơ) chỉ còn lại trơ trọi hệ thống đồn bót, ruộng vườn xơ xác tiêu điều vì đạn pháo, chất độc hóa học, mìn bom chưa nổ vương vãi khắp nơi cùng những con lộ đất nhỏ, cầu ván cầu khỉ.
Vậy mà sau 47 năm, nơi đây đã hiện ra bức tranh sống động đầy thuyết phục: mỗi năm sản lượng lúa đạt 2.000 tấn; trái cây 5.000 tấn, thủy sản 900 tấn… Đặc biệt, nông nghiệp Long Tuyền bây giờ là nông nghiệp chất lượng cao, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao với các khu vực chuyên canh rau màu, vườn cây ăn trái, hoa kiểng…” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Tuyền Phạm Tuấn Nhã cho biết. 
Hiện nay, 100% hộ dân sử dụng nước sạch và điện an toàn, trên 97% hộ dân có nhà ở kiên cố và bán kiên cố. Việc di chuyển chủ yếu bằng ghe xuồng đã lùi xa khi 100% tuyến đường được bê tông hoặc nhựa hóa (lộ 4m) và gắn đèn chiếu sáng công cộng. Toàn bộ điểm trường được kiên cố hóa; 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia... 
Minh chứng rõ rệt cho sự đổi thay, đi lên trong cuộc sống người dân là số hộ nghèo, thiếu ăn từ 60% (1986) nay chỉ còn 24 hộ nghèo (0,35%), 12 hộ cận nghèo (0,17%). Long Tuyền hôm nay là nơi “đất lành chim đậu”, quần cư tăng vọt tới 6.780 hộ, 22.515 nhân khẩu (2021) so với 8.000 nhân khẩu cả xã Long Tuyền lúc mới giải phóng. 
Ông Trần Quốc Vũ, Bí thư Quận ủy Bình Thủy (TP Cần Thơ), nhấn mạnh: “Cùng với sự đi lên của TP, sắp tới đầu tư công trên địa bàn phường không chỉ là các tuyến đường giao thông trọng điểm, như đường nối Cách Mạng Tháng 8 - tỉnh lộ 918, đường hành lang phía Tây, các tuyến kè… mà còn nhiều công trình lớn khác tạo điểm nhấn cho cả TP. Quận Bình Thủy sẽ có 3 dự án khu đô thị tổng diện tích cả trăm ha cùng khu dịch vụ sửa chữa máy bay…”. 
Ngập tràn màu xanh
Huyện Phong Điền, nơi chiếm phần lớn tuyến lộ Vòng Cung chính là làng Nhơn Ái xưa, một trong những cái nôi của văn minh miệt vườn. Là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất Cần Thơ với  tổng diện tích 8.565ha, sản lượng trên 99.000 tấn/năm (2021) mang lại giá trị kinh tế cả ngàn tỷ đồng.
“Lộ Vòng Cung” ngày ấy, “vành đai xanh” hôm nay ảnh 1 Trung tướng Nguyễn Việt Quân (bìa phải), Thiếu tướng Lê Xã Hội (đeo kính) thăm phòng truyền thống phường Long Tuyền.
Phong Điền đã tạo ra những vùng chuyên canh, sản xuất theo mô hình VietGAP như sầu riêng (xã Tân Thới), vú sữa (Giai Xuân), dâu Hạ Châu (Nhơn Ái), nhãn (Nhơn Nghĩa), chanh không hạt (Trường Long)... Phong Điền đang hướng tới mục tiêu đô thị sinh thái, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đảm bảo là vành đai xanh, lá phổi xanh của TP.
Từ năm 2013, Cần Thơ định hướng tuyến lộ Vòng Cung trở thành vành đai xanh, phát triển kinh tế gắn với thế mạnh nông nghiệp đô thị công nghệ cao, du lịch sinh thái. Suốt dọc chiều dài 30km của lộ Vòng Cung nay là tuyến du lịch trọng điểm, chiếm gần 2/3 tổng lượng khách đến Cần Thơ.
Bên cạnh hàng chục điểm homstay “trên bến dưới thuyền” còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong ngoài nước, như điểm du lịch Sáu Hoài với "Piza hủ tíu" (quận Ninh Kiều); chợ nổi Cái Răng, mộ cụ Cử Phan Văn Trị, làng du lịch Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, vườn du lịch sinh thái Giáo Dương (huyện Phong Điền); nhà cổ Bình Thủy, làng cổ Long Tuyền (quận Bình Thủy)…
Những dấu ấn đột phá  
Đứng trên cầu Vàm Xáng, công trình trọng điểm của TP Cần Thơ kết nối giữa xã Nhơn Nghĩa với xã Mỹ Khánh và đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 61C thuộc huyện Phong Điền (dự kiến khánh thành đúng dịp kỷ niệm 30-4), Trung tướng Nguyễn Việt Quân bồi hồi: “Ước mong bao thế hệ của bà con 2 bên lộ Vòng Cung đã thành hiện thực. Mỗi lần chuyển giai đoạn như tái lập tỉnh Cần Thơ (1992), trở thành TP trực thuộc Trung ương (2004), đô thị loại I (2009), lộ Vòng Cung lại chuyển mình”. 
Cách đó không xa cây cầu Tây Đô nối thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Ái dài 140m với 4 làn xe, công nhân đang hối hả dưới cơn nắng gắt. “Đi dọc tỉnh lộ 923 (tên mới của lộ Vòng Cung năm xưa) như lạc giữa màu xanh, ở  đâu cũng thấy sự đổi thay. Theo quy hoạch mới, khu đô thị truyền thống Bình Thủy và Ninh Kiều sẽ thuộc khu đô thị trung tâm của TP Cần Thơ, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Đặc biệt, trong 8 dự án trọng điểm của TP (nhiệm kỳ 2021-2026) có 2 dự án lớn tạo sức bật, đột phá mới liên quan đến lộ Vòng Cung. Dự án Đường vành đai phía Tây TP nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C đi qua địa bàn 5 quận, huyện Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền. 
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, dự án đường vành đai phía Tây với quy mô vốn rất lớn (4.000 tỷ đồng) là công trình quan trọng bậc nhất, quyết định đến không gian phát triển mới của TP, thu hút đầu tư cũng như các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển của Cần Thơ.
Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 923 dài khoảng 14,27km quy mô đường cấp III đồng bằng. Một trong những hiệu quả to lớn của dự án là việc đền đáp một phần công lao to lớn của nhân dân khu vực lộ Vòng Cung trong một thời kỳ lịch sử hào hùng, gợi lên hình ảnh chuyển mình của vùng quê đầy truyền thống cách mạng. 

Các tin khác