Loại bỏ lợi ích cục bộ trong quy hoạch quốc gia

(ĐTTCO) - Lợi ích cục bộ của số ít bộ, ngành, địa phương đang cản trở việc thống nhất nội dung Luật Quy hoạch dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới.

(ĐTTCO) - Lợi ích cục bộ của số ít bộ, ngành, địa phương đang cản trở việc thống nhất nội dung Luật Quy hoạch dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới.

 

Đây là một dự luật quan trọng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ sự chồng lấn của hàng nghìn quy hoạch đang được ban hành trên cả nước hiện nay. Việc ra đời Luật Quy hoạch trong thời gian tới sẽ là cơ sở để Chính phủ ban hành Bản quy hoạch tổng thể quốc gia trong 2 năm tới nhằm định hướng sự phát triển của đất nước trong tương lai.

1 tỉnh 200 bản quy hoạch

Trong hội thảo về dự thảo Luật Quy hoạch sáng 4-4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh, dự thảo Luật Quy hoạch dự kiến trình Quốc hội thông qua thời gian tới là tâm huyết 5 năm qua của cơ quan soạn thảo với hàng loạt hội thảo khoa học được tổ chức. Dự luật này nếu được thông qua sẽ khắc phục tình trạng điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy hoạch tùy tiện theo tư duy nhiệm kỳ.

Dự Luật Quy hoạch nếu được ban hành, có hiệu lực sẽ phải sửa 32 luật liên quan, trong đó có 6 luật quy định về quản lý phát triển theo quy hoạch, 21 luật quy hoạch cụ thể về loại và cấp quy hoạch, nguyên tắc lập quy hoạch, nội dung quy hoạch… Việc ban hành Luật Quy hoạch là cấp thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, cần thiết phải xóa bỏ quy hoạch với từng sản phẩm cụ thể như quy hoạch cây, con, thương nhân xuất khẩu gạo… Và trong các khái niệm về quy hoạch của dự thảo Luật Quy hoạch lần này không có từ quy hoạch sản phẩm nữa.

Nếu làm quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội quốc gia thì một địa bàn, một không gian chỉ có một bản quy hoạch tổng thể, không còn chồng chéo nữa, còn hiện nay có hàng trăm quy hoạch chồng chéo trên cùng một địa bàn. Thời gian qua, Chủ tịch UBND của một tỉnh từng tỏ ra lo ngại về tình trạng chồng chéo quy hoạch, một tỉnh nhỏ như Phú Yên nhưng có tới 200 bản quy hoạch, mỗi ngày người đứng đầu tỉnh phải ký không biết bao nhiêu dự án, và lúc nào ký cũng nơm nớp lo sợ, liệu có vi phạm bản quy hoạch nào không trong số 200 bản quy hoạch ấy.

Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ KH-ĐT có trách nhiệm khi xây dựng nội dung dự luật, nhưng ban soạn thảo Luật Quy hoạch mới không chỉ có Bộ KH-ĐT, mà đại diện tất cả các bộ, ngành và chuyên gia độc lập cùng tham gia soạn thảo. Khi soạn thảo Luật Quy hoạch mới không phải Bộ KH-ĐT thích làm gì thì làm. Chúng tôi khẳng định, trong 2 năm tới, đến hết 2019 có thể ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia mới nếu các bộ, ngành cùng hợp tác và làm việc tích cực. Hiện Quy hoạch tổng thể theo phương thức tích hợp đã làm ở một vài tỉnh, thành phố rồi.

Với bản quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng theo dự luật mới, cần cả một hội đồng gồm các bộ, ngành và cả các chuyên gia độc lập trong các lĩnh vực mới làm được, chứ không phải một nhóm kĩ sư biết vẽ bản đồ, bôi kí hiệu xanh, màu đỏ vào là được. Hội đồng phải có chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau tranh luận xem tài nguyên này, mặt nước này, làm việc gì là tốt nhất. Cho nên việc điều chỉnh quy hoạch theo luật này là không hề đơn giản.

Đến nay, đã có 19 trong tổng số 26 thành viên Chính phủ đồng thuận với dự thảo Luật Quy hoạch mới, trong đó có 4 là thành viên Chính phủ đồng thuận nhưng yêu cầu sửa đổi một chút, 3 thành viên tiếp tục duy trì tư duy quy hoạch cũ.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, ngay khi bắt đầu được giao làm Luật Quy hoạch vào năm 2013, Bộ KH&ĐT đã nhận thấy phải thay đổi, không thể để duy trì cách quản lí công tác quy hoạch mà không có luật định. Quá trình làm cũng cho thấy phải thay đổi tập quán thói quen làm quy hoạch hiện nay. Chúng tôi biết sẽ đụng chạm, nhưng quan điểm của cơ quan soạn thảo trước hết là không phủ nhận quá khứ, trong cơ chế tập trung thì cách làm quy hoạch cũ là phù hợp vì nguồn lực do nhà nước nắm giữ, triển khai.

Nhưng nay, đất nước đã phát triển kinh tế thị trường, giờ hơn một nửa nguồn lực đầu tư là do xã hội nắm giữ, sắp tới chiếm nguồn lực trong xã hội sẽ chiếm từ 70-80% nguồn lực vốn đầu tư phát triển của xã hội. Bối cảnh hiện nay rất khác, vì vậy cách làm quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng phải thay đổi. Cái gì đúng trong quá khứ, không có nghĩa đúng mãi mãi. Trên thế giới, ở các quốc gia đi theo lối kinh tế thị trường không có khai niệm quy hoạch xây dựng.

Nếu chậm sẽ lỡ nhịp phát triển

Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được hạn chế cách làm cũ, theo tư duy quy hoạch, nếu có anh A, anh B đề xuất, chả cần tính toán cho cẩn thận, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch. Một ngành A, ngành B có đại gia nọ, đại gia kia, hay một DN nghĩ ra muốn làm cái này, chỗ này, chỗ kia, nhà máy này, công xưởng kia, thế là tự khắc ngành đó đề xuất và đưa vào quy hoạch. Nếu làm quy hoạch theo phương pháp tích hợp của Luật Quy hoạch để xây dựng quy hoạch tổng thể sẽ không còn vấn đề lợi ích cục bộ. Không còn lợi ích cục bộ thì mọi thứ muốn đặt trên mặt đất, phủ lên không gian mặt đất, mặt nước của lãnh thổ phải được tính toán kỹ lưỡng. Quy hoạch tổng thể như một bức tranh ghép hình, giữ cái gì, phát triển cái gì là bản chất của quy hoạch, nguyên tắc là không chồng lấn.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông

Người đại diện cho Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, tháng 5 này nếu Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua đến sau 2 năm tới mới kịp làm Quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương thức tích hợp. Thông qua dự luật năm nay mới kịp đến năm 2021 khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới có Bản Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nếu chậm hơn nữa sẽ lỡ nhịp phát triển của đất nước, không phải Bộ KH&ĐT chủ trì làm Bản quy hoạch tổng thể quốc gia đó, mà bộ chính thức từ bỏ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vẫn làm trong thời gia qua.

Đại diện cho nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập về dự thảo luật, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch được triển khai trong 5 năm qua, có sự tham gia của các bộ, ngành, các chuyên gia quốc tế đã dám đặt lên bàn những vấn đề hóc búa nhất để giải quyết cho câu chuyện phát triển. Làm chậm lại quá trình thông qua dự luật này là gây hậu quả lớn, tự ta làm ta tụt hậu, tự sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế chậm phát triển, trong đó có nguyên nhân về thể chế quy hoạch. Sự tham gia của nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập không chịu tác động từ cơ quan nào, không ai áp đặt, không ai điều khiển được cái đầu chúng tôi. Nếu không thay đổi chúng ta sẽ có tội với tiền thuế của dân khi cho ra đời những bản quy hoạch cọc cạch, tam sao thất bản.

Còn TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, khi có bản quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn cần quy hoạch xây dựng nhưng tích hợp vào trong hệ thống quy hoạch quốc gia, chỉ bỏ tên gọi quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng đã được tích hợp trong luật quy hoạch và là một phần quan trọng. Ví dụ quy hoạch đô thị nông thôn đang là nòng cốt của quy hoạch xây dựng.

Về ý kiến của số ít bộ ngành không đồng thuận với dự thảo Luật Quy hoạch, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đã chỉ ra, bộ này, bộ kia sợ khi luật ra đời sẽ mất việc, tìm mọi cách phản đối. Thực tế, trong bản quy hoạch tổng thể quốc gia, bộ nào đang làm quy hoạch nào vẫn tiếp tục làm quy hoạch đó, trừ những quy hoạch bị loại bỏ. Chỉ khác trước đây, các bộ chuyên ngành tự làm, tự trình cơ quan trên quyết định thì giờ phải cùng thảo luận, thích hợp mới cùng trình lên, chứ không trình lẻ tẻ.

Có ý kiến nói mọi thứ đang tốt thay đổi làm gì? Cái tốt tức không ý kiến gì phản ứng, phê bình. Cái không bị phê bình có 2 trường hợp, một là làm rất tốt, hai là rất vô tích sự, tức chả ai cần, chả ai nói tới cả. Chúng ta hãy đánh giá quá khứ thật khách quan để thấy lúc này là lúc phải thay đổi, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Các tin khác