Cụ thể, theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP (quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định số 38/2022/NĐ-CP), mức lương tối thiểu theo các vùng tăng bình quân 200.000-280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tại vùng 1 tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 lên 4.960.000 đồng/tháng; tại vùng 2 tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 lên 4.410.000 đồng/ tháng; tại vùng 3 tăng 220.000 đồng, từ 3.640.000 lên 3.860 đồng/tháng; tại vùng 4 tăng 200.000 đồng, từ 3.250.000 lên 3.450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng 1 tăng từ 22.500 lên 23.800 đồng/giờ, tại vùng 2 tăng từ 20.000 lên 21.200 đồng/giờ, tại vùng 3 tăng từ 17.500 lên 18.600 đồng/giờ, tại vùng 4 tăng từ 15.600 lên 16.600 đồng/giờ.
Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận, trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Theo Nghị định số 75/2024/ NĐ-CP (về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng), từ ngày 1-7, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995 sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3,5 triệu đồng thì được tăng thêm. Cụ thể, người hưởng dưới 3,2 triệu đồng được tăng thêm 300.000 đồng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng được tăng lên 3,5 triệu đồng.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP (quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang), mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/ tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/ tháng như hiện tại. Các đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương thì sẽ bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1-7. Việc bảo lưu áp dụng đến khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian này, các đơn vị sẽ thực hiện tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và không vượt quá mức hưởng tháng 6. Nếu tiền lương và thu nhập tăng thêm thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, ngày 1-7 cũng là ngày tăng lương tối thiểu vùng ở khu vực doanh nghiệp. Với mức tăng 6%, đại diện tổ chức Công đoàn Việt Nam tin rằng sẽ góp một phần nâng cao đời sống cho đoàn viên người lao động.