Làm ăn thua lỗ, CP bị đưa vào diện cảnh báo, đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Những doanh nghiệp lâm vào tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều trên các sàn niêm yết khiến NĐT càng thêm mất niềm tin vào TTCK.
Nguy cấp
HNX vừa quyết định đưa CP của CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMC) vào diện cảnh báo kể từ ngày 29-3. Theo lý giải của HNX, XMC bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2012 âm hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến lưu ý về BCTC hợp nhất của XMC được lập trên cơ sở giả định rằng XMC hoạt động liên tục, nhưng tại thời điểm ngày 31-12-2012 khi công nợ ngắn hạn của XMC vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 206,5 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều CP bị đưa vào diện cảnh báo khiến NĐT càng mất niềm tin vào TTCK. Ảnh: L. THANH |
Trước đó, HNX cũng đã đưa hàng loạt CP vào diện cảnh báo và kiểm soát do làm ăn thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn, CTCP Hồng Hà Long An (HHL) bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 18-3 do lợi nhuận sau thuế bị âm liên tiếp trong 2 năm 2011 và 2012, với con số tương ứng là âm 13 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. CTCK Xuân Thành (VIX) bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 19-3 do lợi nhuận sau thuế tại BCTC đã kiểm toán năm 2012 âm hơn 51 tỷ đồng. CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 14-3 do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2012 âm 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu lý về khả năng thanh khoản thấp và tính hoạt động liên tục của PVR. CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS) bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13-3, do lợi nhuận của công ty mẹ trên BCTC đã kiểm toán năm 2012 âm 2,2 tỷ đồng.
Phía sàn TPHCM, HOSE cũng liên tục phát thông báo về các trường hợp doanh nghiệp bị cảnh báo. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 7 doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận năm 2012: CTCP Nhà Việt Nam (NVN), CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón vi sinh (HSI), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC), CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), CTCP Thép Việt Ý (VIS) và CTCP Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC). Đáng lưu lý là trường hợp của CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình 584 (NTB). Ngày 27-2, HOSE đã nhận được BCTC quý IV-2012 với lợi nhuận sau thuế âm hơn 63 tỷ đồng trong khi NTB đã nằm trong diện bị cảnh báo kể từ ngày 24-4-2012. Như vậy, nếu BCTC kiểm toán năm 2012 của NTB vẫn có kết quả hoạt động kinh doanh là số âm NTB sẽ bị tạm ngừng giao dịch.
Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, ông Vũ Ngọc Nho, Phó Tổng giám đốc XMC, cho biết trong năm 2012 vừa qua do 2 công ty con của mình là CTCP Đầu tư và Xây dựng số 45 lỗ hơn 37 tỷ đồng và CTCP Bê tông Vinaconex Phan Vũ lỗ 32,2 tỷ đồng, đã làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trên báo cáo hợp nhất. Riêng về ý kiến của kiểm toán về hiện tượng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn thời điểm cuối năm 2012, ông Nho cho biết XMC đã kết chuyển khoản vay trung hạn và dài hạn (gần 376 tỷ đồng) phải trả từ ngày 1-1-2013 đến 31-12-2013 sang nợ dài hạn đến hạn trả. Sự điều chỉnh này dẫn đến tình trạng nợ vượt quá tài sản, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán trong thời gian tới. Dù vấn đề công nợ đã được lãnh đạo XMC giải trình, nhưng khả năng phục hồi của doanh nghiệp này trong năm 2013 vẫn bị cổ đông hồ nghi. Thực tế, ngay cả lãnh đạo XMC cũng thừa nhận khả năng thanh toán của doanh nghiệp phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể thu được trong tương lai, mà điều này lại phụ thuộc khả năng huy động vốn từ khách hàng mua bất động sản, khả năng vay vốn từ các tổ chức kinh tế và các NĐT.
Điều dễ dàng nhận thấy là dù hoạt động thua lỗ, nhưng đa phần doanh nghiệp vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nhất để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Các giải pháp chính vẫn chỉ là tiết giảm chi phí, cải thiện tình trạng sản xuất hay hạn chế vốn vay. Ông Nguyễn Huy Quyền, Phó Tổng giám đốc HSI, cho biết dù thực hành tiết giảm tối đa chi phí kinh doanh trong năm 2012 (giảm 37%), nhưng với các yếu tố đầu vào đều tăng cao nên doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Chính vì vậy, giải pháp của HSI trong thời gian tới là củng cố và phát triển thị phần, tiếp tục cắt giảm chi phí, tích cực thu hồi công nợ, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nhanh quay vòng vốn để giảm chi phí lãi vay. Đặc biệt, mục tiêu của HSI là đưa CP ra khỏi diện cảnh báo trong thời gian sớm nhất. Tương tự, dù cắt giảm tối đa chi phí nhưng VIS vẫn lỗ hơn 17 tỷ đồng trong năm 2012. Do vậy, ngay từ đầu năm 2013, lãnh đạo VIS đã chủ động đề ra những giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn. Chẳng hạn, tiếp tục rà soát công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực, đặc biệt là dây chuyền sản xuất phôi; kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
CTCP Kỹ nghệ Đô Thành (DTT) vừa được HOSE đưa ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch và cho phép giao dịch trở lại kể từ ngày 28-3. Theo HOSE, DTT đã thực hiện giải trình nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ trong năm 2012 và có phương án khắc phục cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh doanh không thuận lợi như hiện nay khả năng tạo nên sự đột biến của doanh nghiệp gần như không có.