Theo ông Khánh, muốn doanh nghiệp phát triển, thì kinh nghiệm quý là chỉ đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi và nhà nước cần sớm tháo gỡ khó khăn về luồng tuyến và thủ tục thông quan.
"Đầu tư bến thủy và phương tiện tổng mức rất lớn, do vậy, chúng tôi chọn vận chuyển chuỗi logistics trọng tâm các tuyến TP.HCM, Vũng Tàu. Tới nay đã đầu tư nhiều phương tiện và tiếp tục gia tăng. Tới đây, tại các cảng Quế Võ, cần tháo gỡ về các thủ tục thông quan, khơi thông luồng tuyến. Chúng tôi mở rộng đầu tư vì nguồn hàng tại Bắc Ninh, Bắc Giang rất lớn, nơi mà giá trị xuất- nhập khẩu của địa phương này, từ các cụm-khu công nghiệp hàng năm của các doanh nghiệp lên tới nhiều tỷ đô" - ông Khánh chia sẻ.
Hai vướng mắc lớn nhất các doanh nghiệp chỉ ra cần sớm tháo gỡ đó là kết nối vận tải thủy với các phương thức khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi. Tiếp đó là việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ công cộng hiện nay còn cao, chưa đúng đối tượng, gây khó cho phương tiện thủy và các doanh nghiệp vận tải thủy, cần sớm điều chỉnh.
Để phát triển, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics vận tải thủy và ven biển rất cần được hỗ trợ về các cơ chế hợp tác để kết nối các doanh nghiệp trong nước với chuỗi dịch vụ logistics toàn cầu, khai thác lợi thế địa lý, để nâng sản lượng vận tải thủy vào năm 2025 gấp đôi so với hiện nay.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa, cho biết, tới đây, khi Quy hoạch tổng thể lĩnh vực vận tải thủy được ban hành, sẽ có cơ sở để thu hút được nhiều nhà đầu tư theo hướng “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
"Khi hoạch định được luồng tuyến, sẽ thu hút nhà đầu tư vào. Nhà đầu tư căn cứ vào lưu lượng, các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển thì sẽ thu hút doanh nghiệp. Nguyên tắc là đầu tư công đầu tư quy hoạch, hạ tầng luồng tuyến; đầu tư tư đầu tư cảng bến. Còn chính quyền địa phương dành quỹ đất để phát triển cảng, bến" - ông Thu nêu rõ.
Trước những thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết, trước tiên, Bộ sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu pha sông biển, thu hút các nhà đầu tư. Các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất sửa đổi quy định về phương tiện vận tải ven biển phù hợp thực tiễn, phát huy hiệu quả lợi thế vận tải thủy nội địa và ven biển.