Dow Jones trượt dài hơn 300 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 332.57 điểm, tương đương 0.98%, xuống 33,665.08 điểm. S&P 500 mất 1.34% còn 4,314.60 điểm, trong khi Nasdaq Composite hạ 1.62%, xuống 13,314.30 điểm.
Đáng chú ý, cả 3 chỉ số chính đều mang sắc đỏ từ đầu đến cuối phiên.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh và vượt ngưỡng 4.9% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Trong khi đó, lãi suất bình quân của lãi suất thế chấp cố định 30 năm chỉ đạt 8%, mức cao nhất từ năm 2000.
Jamie Cox, Đối tác quản lý tại Harris Financial, cho biết: “Thị trường đang cố gắng tìm hiểu xem lãi suất sẽ đạt đỉnh ở đâu và điều gì sẽ xảy ra khi lợi suất chạm mức 5%.”
Cổ phiếu J.B. Hunt trượt dài 8.9% do kết quả lợi nhuận không như dự báo, trong khi cổ phiếu của United Airlines bốc hơi 9.7% sau khi công bố dự báo ảm đạm. Cổ phiếu Morgan Stanley sụt 6.8% và ghi nhận phiên giảm giá mạnh nhất từ năm 2020 do kết quả yếu kém từ bộ phận quản lý tài sản.
Ngược lại, cổ phiếu Procter & Gamble tiến 2.6% sau khi công bố kết quả vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh của Netflix và Tesla.
Theo FactSet, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có hơn 10% doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 công bố báo cáo tài chính và khoảng 78% trong số này vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip như Nvidia và Advanced Micro Devices giằng co phiên thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư tiếp tục bán tháo. Nguyên nhân là do hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch thắt chặt các biện pháp hạn chế việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho Trung Quốc.
Phố Wall cũng tiếp tục đánh giá tác động từ cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn giữa Israel-Hamas. Trong ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Israel, một phần trong chuyến đi nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nước này.
Thị trường lo ngại về nguồn cung
Khép phiên, giá dầu Brent cộng 1,60 USD, tương đương 1,8%, đạt mức 91,50 USD/thùng. Trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ tiến 1,66 USD, tương đương 1,9%, đạt mức 88,32 USD. Tại mức cao nhất trong phiên, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng hơn 3 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã rút 4,5 triệu thùng dầu thô khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13/10.
Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 0,3 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters. Hôm thứ Ba, nhóm công nghiệp của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) đã báo cáo mức giảm 4,4 triệu thùng.
Đây là lần sụt giảm dự trữ dầu thô thứ 4 trong 5 tuần. Vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng hàng tuần của cùng kỳ năm trước và so sánh với mức tăng trung bình 5 năm (2018-2022) là 2,5 triệu thùng.
Nguồn cung giảm 0,8 triệu thùng tại cơ sở lưu trữ Cushing ở Oklahoma xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014, làm dấy lên lo ngại về chất lượng dầu còn lại tại điểm giao hàng đối với dầu kỳ hạn của Mỹ.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group lưu ý rằng giá đã tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel sau khi hàng trăm người Palestine thiệt mạng trong vụ nổ tại bệnh viện ở Thành phố Gaza. Các quan chức Israel và Palestine đổ lỗi cho nhau.
Bốn nguồn tin từ nhóm sản xuất nói với Reuters rằng OPEC không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi của Iran, thành viên OPEC.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong quý 3.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn dự kiến đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay. Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho biết trong một ghi chú: “Dữ liệu mới nhất của Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hỗ trợ cho nhu cầu dầu thô ổn định hoặc tăng”.