Những ngày qua, giá thịt lợn hơi trong cả nước tiếp tục tăng phi mã, lên mức 98.000 - 99.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử, vượt xa mức giá đỉnh điểm trước Tết năm ngoái. Giá thịt lợn tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, mà đằng sau đó còn có nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ, nhất là vấn đề lợi ích nhóm, thiếu minh bạch về thông tin.
Hơn 15 năm trong nghề kinh doanh thịt lợn thương phẩm, nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Vui, một tiểu thương bán thịt ở chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội thấy giá lợn hơi cao như thời điểm này. Giá lợn liên tục tăng khiến việc kinh doanh của chị Vui cũng như các tiểu thương khác khá khó khăn.
Trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam, thịt lợn vẫn là món ăn không thể thiếu. Tuy nhiên, với giá cả thịt lợn luôn tăng cao, nhiều gia đình không đủ điều kiện để mua thịt lợn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
“Ảnh hưởng thực tế nhất là bữa cơm bữa cơm gia đình, vì giá thịt lợn tăng cao thì chắc chắn phải bớt đi một phần thức ăn, nên gia đình sẽ không mua được nhiều như trước”, chị Hoàng Thị Hương, ở phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.
Có một nghịch lý là Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo giảm giá thịt lợn và việc nhập khẩu thịt lợn tăng hơn 300%, bên cạnh đó, đã tái đàn thành công, nhưng tại sao giá thịt lợn vẫn không hề giảm mà ngược lại còn tăng cao hơn? Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn: “Giá cả thì theo cơ chế thị trường, nhưng là cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước chứ không phải cứ lên vô tội vạ mà không kiểm soát nổi. Về mặt lý thuyết thì giá cả là do cung cầu quyết định nhưng thực tế không phải vậy, nói là giá xuống nhưng người bán, người mua không tiếp cận được giá này”.
Vì sao thịt lợn thiếu nguồn cung? Ông Cao Xuân Quảng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho rằng: “Những doanh nghiệp chăn nuôi lớn không xuất hoặc xuất hạn chế nên dẫn đến là thiếu nguồn cung”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội Hà Nội, giá thịt lợn tăng phi mã, không kiểm soát, một phần là do thông tin chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, cụ thể là thiếu nguồn cung và tái đàn thấp.
“Khi cung cấp được thông tin đầy đủ là chúng ta biết được là thiếu thật sự hay chưa muốn xuất. Đồng thời, phải có dự báo hiện tại, tương lai sẽ có bao nhiêu để người dân biết”, ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Việc không kiểm soát được giá thịt lợn, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt trước mắt của người dân, về lâu dài còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và cả nền kinh tế khi người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.