Chiều 27-9, Long An đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Bến Lức, Long An. Buổi họp kéo dài đến tối đã nhận được rất nhiều kiến nghị thẳng thắn của các doanh nghiệp trong giai đoạn I phục hồi sản xuất theo kế hoạch của UBND tỉnh Long An (từ 15-9 đến 15-10).
Doanh nghiệp phát hiện F0 không cần phải dừng tất cả các hoạt động
Đối thoại với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Út - chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết quan điểm của Long An là nhanh chóng để tất cả các công nhân đều được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian sớm nhất có thể, do đó nguồn vắc xin phân bổ về tỉnh này đều được ưu tiên để trả mũi 2 trước các đối tượng khác.
Một trong những đều vướng mắc được chủ tịch UBND tỉnh Long An tháo gỡ ngay buổi đối thoại là trong thời gian tới, khi phát hiện F0, doanh nghiệp không cần phải dừng tất cả các hoạt động sản xuất.
"Trên tinh thần là doanh nghiệp đã tự chủ y tế thì phải xử lý cách ly F0, đánh giá và phong tỏa phạm vi hẹp nhất, nhỏ nhất ở cấp độ phân xưởng, tổ sản xuất, dây chuyền hoặc một điểm nhỏ để xử lý khử khuẩn nhanh rồi hoạt động trở lại", ông Út nói.
Theo ông Út, Long An áp dụng điều này bởi hiện nay, tất cả công nhân tại tỉnh này đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin nên có thể linh hoạt hơn so với quy định chung về xử lý F0 của Bộ Y tế.
"Tiếp nữa, tất cả các doanh nghiệp đều có thể hoạt động trở lại, không phân theo đối tượng doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất mà tỉnh đã ban hành vừa qua nữa", ông Út nói thêm.
Không cần phải chờ thẩm định mới được hoạt động
Ông Út cho biết thêm Long An cũng đang xem xét và tăng số lượng công nhân hoạt động theo đề xuất của các doanh nghiệp trong thời gian sớm, thay vì chỉ được hoạt động tối đa 50% người lao động như hiện nay.
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp phải chờ thẩm định quá lâu mới được hoạt động trở lại, trong khi đoàn công tác thẩm định của tỉnh có hạn, ông Út cho biết hiện tỉnh đang soạn thảo văn bản, định hướng từ 1-10 tới, các doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại rồi mà đoàn thẩm định chưa tới kịp có thể được phép hoạt động trước theo đúng các tiêu chí mà tỉnh ban hành. Việc kiểm tra đảm bảo công tác phòng chống dịch sẽ được tiến hành sau.
"Sắp tới, chúng ta còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Chúng tôi mong các doanh nghiệp hãy tự xây kế hoạch của mình, động viên công nhân trở về. Tỉnh sẽ dành ra một lượng vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho số lượng công nhân trở về mà chưa được tiêm vắc xin", ông Út nói.
Trao đổi thêm với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Được - bí thư Tỉnh ủy Long An - cho biết kiến nghị lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là cho phép người lao động từ TP.HCM làm việc tại Long An có thể đi lại hằng ngày, hiện TP.HCM, Long An và một số tỉnh lân cận đang cùng họp bàn, thống nhất các yếu tố để đảm bảo sự giao lưu giữa các vùng trong thời gian tới, trong đó có vấn đề đi lại của người lao động giữa các tỉnh, thành.
Bí thư Tỉnh ủy Long An cũng ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về kéo dài thêm thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 lên đến 7 ngày, hoặc 10 ngày cho những người đã tiêm 2 mũi vắc xin để kiến nghị lên Chính phủ xem xét.
"Khi ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất bắt đầu từ ngày 15-9, Long An đã xác định chuyển hướng từ Zero COVID sang sống chung với COVID-19 và chúng tôi vẫn đang thực hiện thay đổi dần dần chủ trương này.
Sống chung với COVID-19, việc doanh nghiệp chủ động cho chính mình và cho chính người lao động là chuyện tiên quyết. Nhà nước sẽ dần chuyển sang việc chỉ điều trị cho các bệnh nhân nặng, do đó mong doanh nghiệp phải thật chủ động về y tế", ông Được nói thêm.