Hơn 300 ngày mới trả kết quả
Theo quy định tại Quyết định 920/QĐ-UBND ngày 28-6-2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tổng thời gian phối hợp giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ lần đầu của hộ gia đình, cá nhân là không quá 28 ngày.
Trong đó, tại UBND cấp xã 4 ngày, tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở TN-MT) 18 ngày, phòng TN-MT 3 ngày. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị tại địa phương này vẫn phớt lờ, “giam” hồ sơ trong thời gian dài.
Trường hợp hồ sơ của bà Nguyễn Ngọc Th. (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) là một minh chứng. Ngày 24-4-2020, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Quảng Ngãi chuyển hồ sơ cấp sổ đỏ của bà Th. để Phòng TN-MT TP Quảng Ngãi thực hiện thủ tục kiểm tra. Tuy nhiên, đến ngày 10-3-2021, đơn vị này mới trả kết quả.
“Quy định là sau 3 ngày, nhưng hơn 300 ngày sau (tức hơn 10 tháng), Phòng TN-MT TP Quảng Ngãi mới trả kết quả. Tôi không hiểu Phòng TN-MT TP Quảng Ngãi giam hồ sơ của tôi vì lý do gì, nếu có lý do chính đáng cũng phải phản hồi kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn. Thật khó chấp nhận”, bà Th. bức xúc.
Không chỉ “giam” hồ sơ trong thời gian dài, một số cơ quan, đơn vị phối hợp cấp sổ đỏ còn “quên” thủ tục, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân, đơn cử như tại UBND thị trấn Chợ Chùa và 2 xã Hành Minh, Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Kết quả kiểm tra đột xuất việc thực hiện thủ tục hành chính hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu tại UBND 3 xã, thị trấn này của đoàn kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Quảng Ngãi vào giữa năm 2021 cho thấy, cả 3 đều chưa triển khai nơi tiếp nhận và trả hồ sơ theo cơ chế một cửa.
Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai tại UBND 3 xã, thị trấn trên đều do công chức địa chính xã tiếp nhận trực tiếp nhưng không ghi phiếu hẹn trả hồ sơ và mở sổ theo dõi việc tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Từ chỗ không có phiếu hẹn (không có thời hạn trả hồ sơ), UBND 3 xã, thị trấn nói trên cứ kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ của người dân, có trường hợp bị “giam” hồ sơ đến 11 tháng, trong khi quy định chỉ 4 ngày. Điển hình như hồ sơ của bà Nguyễn Thị Hằng Ng. bị UBND thị trấn Chợ Chùa “giam” đến 344 ngày (từ ngày 5-2-2018 đến 15-1-2019).
Giải quyết hồ sơ… ở nhà
Bà Hoàng Thị Thứ (thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng) vừa có đơn phản ánh gửi UBND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) và các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị thanh tra, xác minh, làm rõ dấu hiệu lừa đảo của cán bộ UBND xã Thủy Bằng trong việc cấp sổ đỏ miếng đất của bà cho người khác.
Công an đọc lệnh bắt 5 cán bộ liên quan trong vụ cấp sổ đỏ sai cho bà Nguyễn Thị Cẩn tại phường Thủy Xuân, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Theo bà Thứ, sau khi chồng bà qua đời năm 2013, bà được UBND thị xã Hương Thủy cấp sổ đỏ thửa đất số 40, tờ bản đồ số 1, xã Thủy Bằng (lúc này xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy) diện tích 1.000m2. Trên thửa đất này, bà Thứ cho con trai là ông Thân Bá Cư xây ngôi nhà cấp 4 và một người con trai khác là Thân Bá Chính sinh sống tại nhà thờ của gia đình nằm trong khuôn viên thửa đất.
Tháng 2-2022, ông Thân Bá Chính và một số người xin đo đạc khu đất với lý do để kiểm tra hiện trạng chung. Đến tháng 3-2022, ông Chính mượn sổ đỏ của bà Thứ, sau đó bảo bà đi lăn tay nhận gạo hỗ trợ hộ nghèo.
“Tôi đến nhà riêng của ông Lê Văn Tuấn, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND xã Thủy Bằng để lăn tay nhận gạo và tiền hỗ trợ hàng tháng. Không ngờ rằng, sau lần lăn tay ấy, thửa đất của tôi bỗng dưng được đăng ký sang tên cho vợ chồng ông Chính”, bà Thứ cho biết.
Trao đổi trực tiếp với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Tuấn thừa nhận, bà Hoàng Thị Thứ được đưa đến nhà riêng của ông để lăn tay điểm chỉ. Việc chứng thực không diễn ra tại trụ sở UBND xã mà lại thực hiện tại nhà riêng của cán bộ được ông Tuấn giải thích là do bà Thứ già yếu nên xã muốn tạo điều kiện (!?).
Liên quan vụ việc này, ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, TP Huế, cho biết, xã đang phối hợp với các cơ quan tập trung xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm liên quan.
Cũng tại Thừa Thiên - Huế, quá trình lập hồ sơ, thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ để đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận đình làng Dương Xuân Hạ là di tích lịch sử cách mạng, Hội đồng Tộc trưởng làng Dương Xuân Hạ bàn giao lô đất 2.250m2 cho UBND phường Thủy Xuân (TP Huế).
Nguyên nhân, khi làm thủ tục cấp sổ đỏ đình làng, bà Nguyễn Thị Cẩn (86 tuổi, trú Đạ Tẻh - Lâm Đồng) có tranh chấp với dân làng. Làng cho rằng toàn bộ thửa đất khoảng 10.000m2 là đất đình làng, nhưng bà Cẩn lại khẳng định một phần đất diện tích 2.500m2 là của bà.
Tranh chấp làm chậm quá trình lập hồ sơ công nhận đình làng nên Hội đồng Tộc trưởng làng Dương Xuân Hạ đã giao 2.500m2 đất nói trên cho UBND phường Thủy Xuân quản lý. Việc giải quyết tranh chấp chưa xong, nhưng sau đó ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân và ông Hồ Trí Quý, nguyên Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế, cấu kết với các cán bộ khác lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Cẩn.
Biến đất công thành “đất ông”
Tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, mặc dù biết rõ miếng đất 150.277m2, thửa 732, tờ bản đồ số 2 là đất rừng (trong đó 31.000m2 đất rừng sản xuất, 119.277m2 đất lâm nghiệp) do UBND xã Canh Hòa quản lý, nhưng ông Đoàn Văn Mức, nguyên bí thư xã, vẫn làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho... chính mình. Trong hồ sơ, ông Mức khai gian dối nguồn gốc thửa đất trên là do ông “tự khai hoang vào năm 1996”.
Khó hiểu hơn là hồ sơ sai trái như vậy nhưng lại “chui lọt” qua nhiều cửa thẩm tra là UBND xã Canh Hòa, Phòng TN-MT huyện Vân Canh và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh (Sở TN-MT Bình Định)…
Tương tự, ông Đoàn Văn Môn, nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) cũng làm hồ sơ “khống” như trên và cũng được “ê kíp” cán bộ thuộc UBND xã Canh Hòa, Phòng TN-MT huyện Vân Canh và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh xác nhận để cấp sổ đỏ 100.065m2.
Ngoài ông Mức, ông Môn, còn có 3 hộ dân khác cũng được các cán bộ, cơ quan nêu trên giải quyết hồ sơ, ký quyết định cấp sổ đỏ trên đất rừng. Tổng diện tích đất rừng do UBND huyện Vân Canh cấp sổ đỏ sai quy định cho 5 trường hợp là hơn 367.000m2.
Theo tìm hiểu của nhóm PV Báo SGGP, mặc dù vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ của các cá nhân, tổ chức trên là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái, song đến nay, việc xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật về mặt Đảng, không xử lý hình sự.
Tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, cho biết, Huyện ủy đang chỉ đạo công an huyện khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan mở rộng điều tra, xử lý nghiêm minh, triệt để các vụ việc vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ trên địa bàn.
Trước đó, ông Phan Văn Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An) lấn chiếm 1.000m2 đất công ở thôn Xuân Bình do UBND xã Mỹ An quản lý. Lợi dụng chính sách giãn dân vùng kinh tế mới Đông Trà Ổ, ông Dũng móc nối với cán bộ Phòng TN-MT huyện Phù Mỹ “phù phép” giấy tờ, thực hiện thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ để cấp sổ đỏ thửa đất trên cho cá nhân ông.
Tương tự, ông Đặng Văn Sang (nguyên cán bộ địa chính xã Mỹ An) và bà Đặng Thị Phấn (mẹ ông Sang) không thuộc diện di, giãn dân kinh tế mới Đông Trà Ổ nhưng cũng được Hội đồng xét duyệt nhà, đất của xã Mỹ An “chiếu cố”, duyệt hồ sơ và đề nghị UBND huyện Phù Mỹ cấp sổ đỏ thửa đất 2.616m2…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các vụ vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ như trên ở huyện Phù Mỹ chỉ được phát hiện, thanh tra, điều tra khi người dân có đơn thư phản ánh, tố cáo.
Theo quy định, đối với đất nông nghiệp, để đăng ký biến động quyền sử dụng, thửa đất đó phải được cấp sổ đỏ, không có tranh chấp, không bị kê biên, còn thời hạn sử dụng, trên đất không có công trình xây dựng. Tuy nhiên, tại nhiều huyện ngoại thành ở TPHCM, PV Báo SGGP ghi nhận cơ quan cấp sổ đỏ vẫn thực hiện đăng ký biến động khi trên đất nông nghiệp có công trình xây dựng vi phạm; gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp khi trên thửa có nhiều công trình nhà ở, kho, xưởng. |