Từng bị “đắp chiếu” trong thời gian dài do thị trường đóng băng và chủ đầu tư thiếu vốn, một số dự án đang âm thầm trở lại nhờ sự “tiếp máu” của ngân hàng và sự ấm lên của thị trường. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, những rủi ro đối với khách hàng mua căn hộ tại các dự án này vẫn còn.
Quá khứ bi đát
Thị trường bất động sản khó khăn trong thời gian kéo dài, trong khi các chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, lại đầu tư dàn trải, khiến hàng loạt dự án trong Năm, ngoài Bắc triển khai dở dang, nhiều dự án “đắp chiếu”, nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng năm trời.
Trên địa bàn Hà Nội, các dự án như The Pride, Khu đô thị mới Trung Văn, Văn Phú Victoria, Usilk City, các dự án của AZ Land, Binh đoàn 12… từng đình đám với những khiếu kiện, hay chậm tiến độ.
Là một dự án trọng điểm của CTCP Đầu tư Hải Phát, nhưng tổ hợp Dự án The Pride, quận Hà Đông liên tục bị chậm tiến độ vì chủ đầu tư thiếu vốn triển khai. Trong đó, Tòa CT3 cao 45 tầng, (với tên gọi HP Landmark Tower) thuộc tổ hợp The Pride chỉ được xây đến tầng 6 rồi “đắp chiếu” trong suốt năm 2012 và 2013.
Tương tự, Dự án CT1 nằm trong Khu đô thị mới Trung Văn do Vinconex 3 làm chủ đầu tư cũng bị “đắp chiếu” hàng năm trời với phần móng công trình bỏ hoang, hoen gỉ do thị trường bất động sản gặp khó khăn. Không chỉ riêng Tòa nhà CT1, tổng thể cả Dự án Khu đô thị Trung Văn cũng không khá khẩm gì hơn khi Dự án hiện vẫn chưa có kết nối nội bộ, khiến phần lớn biệt thự trong Khu đô thị vẫn bị bỏ hoang. Số ít cư dân đã chuyển đến sinh sống phải “dùng ké” hạ tầng xã hội của khu dân cư lân cận.
Một dự án cũng chịu nhiều tai tiếng khác trong quá khứ là Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) do Công ty Văn Phú Invest làm chủ đầu tư. Dự án này trước đây khá nổi đình nổi đám với mức chênh có lúc lên đến 6 - 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tiến độ của dự án lại như “rùa bò”, trong khi các đơn vị thứ cấp không minh bạch đối với các khoản tiền khách hàng đã đóng. Do vậy, tranh chấp giữa đơn vị thứ cấp và khách hàng đã nổ ra và kéo dài, nhiều khách hàng đã không tiếp tục đóng tiền theo thỏa thuận, buộc chủ đầu tư là Văn Phú Invest phải đình chỉ hợp đồng với một số đơn vị thứ cấp.
Dấu hỏi ngày trở lại
Đầu năm 2014, với việc được Ngân hàng Quân đội (MB) cho vay gói tín dụng 530 tỷ đồng, Hải Phát đã tái khởi động Dự án HP Landmark Tower, nhưng tiến độ triển khai trên thực tế không nhanh như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, ngày 15/4 vừa qua, Hải Phát vẫn gây bất ngờ khi công bố mở bán căn hộ HP Landmark Tower với mức giá 17,3 triệu đồng/m2. Mức giá này thấp hơn khá nhiều so với mức giá mở bán tại các tòa CT1, CT2 và CT4 cùng tổ hợp The Pride trước đó của chủ đầu tư. Tuy nhiên, so với giá thị trường, mức giá này được cho là tương đương với giá của căn hộ tại các tòa trên đang được nhiều nhà đầu tư rao bán. Trong khi đó, các tòa nhà này dự kiến sẽ được bàn giao nhà vào quý II/2014.
Bị nhà đầu tư thứ cấp cạnh tranh, song Hải Phát vẫn hy vọng, căn hộ HP Landmark Tower sẽ bán được sản phẩm nhờ lợi thế là dự án điểm nhấn cả về vị trí lẫn thiết kế của tổ hợp The Pride.
Trước đó, ngày 17/10/2013, Dự án CT1 Trung Văn của Vinconex 3, cùng nhiều dự án khác được UBND TP. Hà Nội cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, nên tiếp tục được triển khai và mở bán. Cũng giống như CT2 - dự án căn hộ được đánh giá là bán chạy nhất Hà Nội trong quý IV/2013, kịch bản chênh giá bán tại CT1 lại tái diễn.
Thế nhưng, trong khi mức chênh tại CT2 được cho là do dự án đang trong giai đoạn bàn giao nhà, thì việc giá chênh tại tòa CT1 với mức chênh lên đến cả trăm triệu đồng mỗi căn khiến nhiều người bất ngờ, bời tòa nhà CT1 chỉ vừa hoàn thiện phần móng công trình và tốc độ xây dựng không nhanh. Sau nhiều tháng triển khai, CT1 mới được xây dựng đến sàn thứ 3.
Trên thị trường hiện nay, căn hộ CT1 Trung Văn đang có giá chênh tối thiểu khoảng 90 triệu đồng/căn. Mức chênh này được đưa ra bởi đơn vị phân phối độc quyền. Đến lượt nhà đầu tư thứ cấp khác, mức chênh tiếp tục được đẩy lên, khiến mức giá tại căn hộ này không phải 23,5 triệu đồng/m2 diện tích thông thủy như chủ đầu tư công bố, mà đã vượt ngưỡng 25 triệu đồng/m2.
Việc chênh giá bán tại các dự án căn hộ không phải hiếm, nó thường xuất hiện ở các dự án hấp dẫn cả về giá bán, vị trí, tiến độ, lẫn hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của Khu đô thị Trung Văn vẫn chỉ là “tiện đường đến siêu thị BigC”.
Một đại diện sàn giao dịch trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông cho biết, với mức giá thực tế lên đến 25 triệu đồng/m2, căn hộ dự án CT1 Trung Văn đã không còn hấp dẫn. Với mức giá này, khách hàng có thể mua được căn hộ tại một số dự án khác, có vị trí thuận tiện không kém, lại có thể ở được ngay, thay vì việc phải chờ đợi đến nửa cuối năm 2015 mới được nhận bàn giao nhà.
Khác với CT1 Trung Văn và HP Landmark Tower, Dự án Văn Phú Victoria lại đang có tiến độ khá tốt và mức giá mở bán của chủ đầu tư cũng được cho là khá hấp dẫn với trên 16 triệu đồng/m2. Dự án lại nằm ở Khu đô thị Văn Phú, khu trung tâm của quận Hà Đông với hạ tầng kỹ thuật và xã hội khá tốt. Nhờ những lợi thế và mức giá bán này, một số căn hộ Văn Phú Victoria đã xuất hiện mức chênh lên đến vài chục triệu mỗi căn.
Tuy nhiên, khi mọi chuyện tưởng chừng “xuôi chèo mát mái”, với Dự án Văn Phú Victoria, thì một nhóm khách hàng gửi đơn tố cáo đến Thanh tra Bộ Xây dựng và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm yêu cầu khởi tố hình sự đơn vị thứ cấp về hành vi chiếm dụng vốn và ngăn chặn chủ đầu tư Văn Phú Invest không được bán các căn hộ đang có tranh chấp với khách hàng.
Theo đại diện nhóm khách hàng có đơn tố cáo, các khách hàng đã mua nhà tại Dự án Văn Phú Victoria bất ngờ khi hay tin bị chủ đầu tư rao bán căn hộ mình đã mua, bất chấp việc các khách hàng vẫn chưa thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ.
Việc nhiều dự án được tái khởi động trở lại sau nhiều năm “đắp chiếu” là tín hiệu vui của thị trường bất động sản cũng như người có nhu cầu mua nhà, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phòng ngừa các rủi ro, khách hàng mua nhà cũng cần cẩn trọng, xem xét kỹ về dự án và chủ đầu tư trước khi quyết định xuống tiền.