Vùng đất ấy là nơi hiểm trở nhất rặng Trường Sơn, nhưng lại đủ đầy sản vật bản địa và lòng người hiếu khách. Song cái nghèo vẫn ẩn hiện với bao day dứt trăn trở.
Đất của trăm suối vạn thác
Lên Trường Sơn, người đầu tiên cần gặp là anh Nguyễn Văn Tráng (45 tuổi), nhà bản địa học. Dấu chân anh có mặt ở tất cả 19 thôn bản sưu tầm văn hóa, tập tục từng vùng đất giữa Trường Sơn rộng lớn, rồi tỉ mẩn ghi chép hoặc chụp ảnh từng cảnh quan núi rừng lưu lại cho muôn đời sau.
Anh Tráng kể: “Trường Sơn có diện tích hơn 783km2, chủ yếu là rừng núi đá vôi với các lòng chảo xen kẽ, với sông suối, thác phong phú không xã miền núi ở miền Trung nào có thể so bằng. Vì địa hình là núi đá vôi bị bào mòn nhiều nên suối có đến trăm, thác có đến vạn cái là vậy. Vạn thác mà nổi bật nhất là Chà Lụa, Tam Lu, Oong Bờng, Nước Đắng, Hôi Rấy… Suối đẹp nhiều như Chà Rào, Chà Cùng, Rào Bồ, Khe Cóc… Còn núi cao đẹp phải kể núi Voi, Yên Ngựa, Chông, bên trong đó có hang động Rào Mây, Chà Rào, Chà Cùng, Hiểm dài hàng cây số…”.
Chỉ nghe anh Tráng giới thiệu sơ như thế đủ biết mảnh đất của đồng bào Vân Kiều nơi đây cuốn hút như thế nào. Anh Tráng dẫn chúng tôi vào bản Dốc Mây, một khu vực thinh lặng giữa núi rừng. Nhưng buổi sáng bừng lên, tiếng vô số loài chim như bản nhạc giao hưởng thánh thót. Đấy là rừng lim hơn 5ha được người Vân Kiều phục công, chăm bón tự nhiên hơn 30 năm nay.
Rừng lim ấy theo anh Tráng: “Là tài sản vô giá, không ai chặt cây, nó lưu giữ bên trong linh hồn của dân bản, của những thế hệ trước dựng bản làng, bảo vệ đất đai, nay con cháu phải bảo vệ khu rừng để người sau thừa hưởng bóng dáng tươi xanh của nó”.
Vỉa tầng Vân Kiều
Thật ra cảnh đẹp mấy mà không có con người bản địa làm trung tâm, danh thắng ấy sẽ đơn điệu giữa tự nhiên, bởi có con người nơi đó càng thêm bền chặt những núi non hùng vĩ.
Già Hồ Ai đã ngoài 80 tuổi, tóc như lớp mây dài quá vai, là nghệ nhân đan lát, thuộc cả hàng trăm điệu hát Vân Kiều giữa núi rừng Trường Sơn, kể: “Mình già rồi, được cùng Hồ Rương ở bản Cổ Tràng biết đan lát pa điền xang (mâm mây đựng cơm), a chói (gùi), a dăng (gùi đeo nhỏ), ưk khău (đồ dùng bỏ cơm nếp), a đư (dụng cụ để đựng dao đi rừng), tà ving (mẹt sàng sảy), a điền (típ đựng cơm đi rừng) nên được công nhận là nghệ nhân. Tất cả vật dụng đan được đều có nguyên liệu từ núi rừng quê mình, nên ai lên chơi cũng đặt mua một sản phẩm thủ công này”.
Già Hồ Ai (trái) và già Hồ Rường, hai nghệ nhân đan lát Vân Kiều. Ảnh: M.PHONG |
Bên vệ đường Hồ Chí Minh, một nghệ nhân khác, bà Hồ Thị Con (70 tuổi, bản Bến Đường) giữ trong mình 2 bí quyết của vỉa tầng văn hóa Vân Kiều trong vùng, làm được Ku Tẻ, ống hút thuốc tinh xảo từ đất và tìm lại giống lúa nương nếp đen, gạo chà và thơm ngon một thuở.
“Chị Con yêu mỹ tục quê hương, yêu những sản vật làng bản, đã bỏ công sức học làm Ku Tẻ cho người Vân Kiều, tìm lại được nếp đen, gạo chà và cho bà con thỏa sức trong lễ tết truyền thống” - anh Tráng bộc bạch.
Ở Trường Sơn, con trai Vân Kiều ngoài bảo vệ bản làng, con gái dệt thổ cẩm đẹp mê lòng, họ còn biết hát hò giữa những mùa trăng chạm ngõ tình yêu: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc/ Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu/ Ta đi tìm em, em ơi/ Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy/ Ta đang lần tìm đến người, người ơi”.
“Gia tài văn hóa sâu sắc, thông minh. Nơi này từng vỉa tầng trầm bổng từ xa truyền lại như núi rừng đầy bí ẩn, nên bà con Vân Kiều ai cũng có một tấm lòng thủy chung với xứ sở, với bản quán. Bởi ai lớn lên ở vùng đất này cũng được trăm suối, vạn thác nuôi nấng từ nhỏ bằng nguồn cuội con nước chắt ra từ 2 tiếng Trường Sơn lồng lộng” - nhà bản địa Nguyễn Văn Tráng giải thích.
Trường Sơn có trăm suối, vạn thác với ngàn ngọn núi hùng vĩ. Ảnh: M.PHONG |
Nhưng nói cho cùng, miền đất có nhiều danh lam chưa được khai phá để người dân thoát nghèo cũng là điều gì đó rất day dứt nơi vùng đất biên viễn này. Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết hộ nghèo nơi đây vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, xã có 1.240 hộ (5.150 khẩu) thì có 475 hộ nghèo (2.130 khẩu), tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.
Để có con đường sáng hơn cho Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, Trần Quốc Tuấn, cho biết: “Địa phương đang trình Thủ tướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để mở con đường xuyên xã Trường Xuân, lên xã Trường Sơn nhằm phá thế độc đạo, rút ngắn đường từ miền xuôi lên Trường Sơn 2/3 chặng đường, tổng vốn đầu tư con đường này được Trung ương cấp hơn 100 tỷ đồng. Sau 2 năm nữa con đường sẽ hoàn thành, người dân sẽ có cơ hội thoát nghèo rõ nét".
Vừa rồi, Sở Du lịch Quảng Bình đã tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng, du lịch bản địa cho bà con xã Trường Sơn. Ai cũng hăm hở đi theo, bà con tin tưởng du lịch sẽ thay đổi kinh tế Trường Sơn.
Ông Nguyễn Văn Nhì bộc bạch: “Phương hướng thoát nghèo cho bà con trong những năm tới ngoài phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, còn vận động người dân tập trung trồng rừng gỗ lớn mỗi héc ta sẽ thu được từ 200-300 triệu đồng trong vòng 10 năm”.
Chia tay Trường Sơn, anh Tráng cùng già Hồ Ai cầm tay lắc lắc, rồi đây du lịch trở thành lợi thế, đồng bào Trường Sơn sẽ vươn vai phát triển, bởi du khách đã đến với Trường Sơn khá nhiều và biết về Trường Sơn như giá trị bền vững không chỉ trong nước mà còn với du khách nước ngoài.