Theo giá niêm yết của các nhà xuất bản, 1 bộ SGK theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT sẽ có giá không quá 200.000 đồng. Cả bộ sách có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn, gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách tiếng Anh (tự chọn do môn học này chỉ bắt buộc từ lớp 3).
Ngoài những sách này, những tài liệu bổ trợ, tham khảo khác sẽ được phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo đúng nhu cầu thực tế và các trường không có quyền ép buộc. Việc mua các loại sách này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.
Thế nhưng, những ngày gần đây, thông tin về những bộ sách lên đến hơn 800.000 đồng, thậm chí ngót nghét 1 triệu đồng tại nhiều trường tiểu học đang gây bức xúc dư luận.
Bên cạnh danh mục sách giáo khoa bắt buộc, có cả chục đầu sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh lớp 1.
Lợi dụng lòng tin của phụ huynh để "bán bia kèm lạc"
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng đây là hình thức “bán bia kèm lạc” , thương mại hóa, trục lợi từ phụ huynh, học sinh.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, sách tham khảo chỉ dùng khi nội dung khoa học súc tích, sách giáo khoa và bài giảng trên lớp không thể chuyển tài được hết tri thức cơ bản. “Vậy tại sao phải dùng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 khi trẻ chỉ học 1 cộng 1 bằng 2, những phép cộng trừ nhân chia cơ bản. Chuyện này rất vô lý, đây là lợi dụng lòng tin của phụ huynh để lấy tiền”, GS Phạm Tất Dong thẳng thắn nêu quan điểm.
GS Dong cho rằng, hiện nay khi Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đối số, ngành giáo dục cần đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên các học liệu hiện nay vẫn làm theo cách truyền thống, xuất bản sách in thay vì các bản ebook.
Trước thực trạng phụ huynh được “giới thiệu” để mua cả chục cuốn sách tham khảo lớp 1, GS Phạm Tất Dong cho rằng, nếu không có thù lao từ phía doanh nghiệp chi trả cho nhà trường, thì sách tham khảo khó có tên trong danh mục sách cần mua như vậy.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục –đào tạo cho rằng, năm nay là năm đầu tiên thực hiện đổi mới SGK, việc tạo lòng tin trong xã hội rất quan trọng. Việc bán sách tham khảo kèm theo SGK trong các nhà trường không bị cấm, tuy nhiên việc cài cắm cả chục đầu sách để phụ huynh phải mua là điều không thể chấp nhận.
“Để xảy ra tình trạng này, chắc chắn phải có chỉ đạo từ các phòng giáo dục xuống trường. Điều này không bình thường, không đúng tinh thần của ngành giáo dục. Lượng thông tin vào não của mỗi trẻ là cố định, nếu tràn ra sẽ gây quá tải cho trẻ, những người làm sư phạm phải hiểu được điều này”, TS Hoàng Ngọc Vinh chỉ rõ.
Lợi ích ai được hưởng?
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, các nhà xuất bản làm sách đều cần tung ra thị trường, tìm cách tăng doanh số. Nhưng không thể đưa vào các trường giới thiệu, bởi sự giới thiệu xưa nay gần như ép buộc. Phụ huynh thường yếu thế hơn trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm mà giáo viên đưa ra. Cũng có những người thắc mắc, nhưng lại ngại đi đến cùng vì lo lắng con mình bị trù dập. Nếu giáo viên nói sách cần dùng, phụ huynh khó lòng từ chối.
“Giáo viên nói thế nào, phụ huynh nghe thế ấy, nhưng điều này rất khổ cho các gia đình. Đang mùa dịch bệnh, nhiều người mất việc, không đủ ăn, nay lại phải cõng thêm những chi phí vô lý khác”, TS Hoàng Ngọc Vinh bức xúc.
Chuyên gia giáo dục này thẳng thắn cho rằng: “Doanh nghiệp đã làm phải có lợi nhuận, lợi nhuận ấy được đưa vào các trường, thì ắt người có quyền lực trong trường phải có lợi ích mới làm. Nếu không làm nghiêm, rất dễ gây ra những xáo trộn trong những năm sau”.
“Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm hiệu trưởng. Phải có chỉ đạo từ trên, giáo viên mới dám giới thiệu tới phụ huynh. Nhưng giáo viên nhiều khi cũng mất dân chủ nên không dám nói. Đây có thể không chỉ là câu chuyện của SGK mà còn cả đồng phục và hàng loạt những khoản thu khác trong nhà trường. Không chỉ khiển trách, mà cần cách chức, làm nghiêm những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng bán bia kèm lạc trong nhà trường”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.