Thế nhưng, để duy trì được mức giá cao sau khi lên sàn không hề đơn giản bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
LPB: Tăng mạnh so các NH cùng lứa
LPB: Tăng mạnh so các NH cùng lứa
Sau sự kiện VPBank lên sàn, giới đầu tư trên TTCK đang chờ đợi thêm nhiều NH nữa sẽ lên sàn niêm yết trong tương lai gần, giúp tăng thêm chất lượng hàng hóa cũng như tăng tính cạnh tranh giữa các CP trong ngành.
Cụ thể, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB) sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch, đã quyết định đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ngay trong tháng 9. Trên thị trường OTC, nhóm CP NH có kế hoạch lên sàn từ nay đến cuối năm đang được săn đón với mức giá khá cao.
Đơn cử, NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) đã có giao dịch trên thị trường OTC với giá dao động 37.000-39.000 đồng/cổ phần (tăng gần 3 lần so với thời điểm đầu năm). Trong khi đó, LPB đang được giao dịch ở mức 14.000 đồng/cổ phần (tăng gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm).
Đây là mức giá khá ấn tượng nếu so với CP các NH cùng lứa nhưng lại đang giao dịch ở mức thấp hơn mệnh giá, như NHTMCP Đông Á (EABank) 5.500 đồng/cổ phần, NHTMCP An Bình (ABBank) 10.000 đồng/cổ phần, NHTMCP Nam Á (NamABank) 6.800 đồng/cổ phần, NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) 9.000 đồng/cổ phần.
Thực tế, nếu so với các NHTM trên, LPB gần như không nổi trội. Theo BCTC bán niên 2017, các hoạt động của LPB kém khả quan hơn so với cùng kỳ. Theo đó, hoạt động dịch vụ giảm lãi 73% còn 7 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối lỗ 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này lỗ 8 tỷ; lỗ thuần từ hoạt động khác 249 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 24 tỷ.
Duy nhất mảng mua bán CK đầu tư chuyển từ lỗ 117 tỷ đồng cùng kỳ thành lãi gần 300 tỷ đồng. Mảng đầu tư CK cũng chính là một trong những yếu tố góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng cho LPB sau 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những con số này, liệu NĐT đang săn lùng LPB trên thị trường OTC có thật sự vững tin, bởi đây đều là những mảng kinh doanh quan trọng đối với NH này. Điểm nổi bật nhất của LPB có thể thấy rõ nét nhất là mạng lưới giao dịch đã có mặt khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tính đến hết năm 2016, LPB có 140 chi nhánh và phòng giao dịch, 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận các xã, huyện.
Sau thành công của VPBank khi lên sàn, Techcombank cũng tạo hiệu ứng trên thị trường OTC khi công bố chuẩn bị lên sàn.
TCB: Lo lắng việc mua CP quỹ
Trong khi đó, TCB có ưu thế rõ ràng hơn cả về thương hiệu lẫn quy mô hoạt động so với các NHTMCP. Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của TCB đạt 232.340 tỷ đồng, vốn điều lệ 8.878 tỷ đồng. Theo công bố, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TCB tăng mạnh nhờ thu nhập ngoài lãi tăng gấp đôi. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 đạt 2.734 tỷ đồng (tăng 72,24% so với cùng kỳ).
Mặc dù cho vay khách hàng giảm mạnh và tổng tài sản cũng giảm (giảm 1,28% so với đầu năm), nhưng các dòng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh đã giúp TCB cải thiện lợi nhuận. Kết quả kinh doanh khá tích cực nhưng nhiều cổ đông của TCB lại tỏ ra lo lắng về việc NH vừa bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại CP quỹ.
Cụ thể, TCB đã chi 4.040 tỷ đồng từ các quỹ dự phòng và lợi nhuận giữ lại để mua tổng cộng 172,35 triệu cổ phần (tương đương 19,41% vốn điều lệ) từ HSBC với giá bình quân 23.445 đồng/cổ phần (thấp hơn đáng kể so với giá CP trên thị trường OTC).
Câu hỏi đặt ra là tại sao HSBC lại chấp nhận thoái vốn với mức giá thấp và liệu rằng TCB đã không còn hấp dẫn NĐT? Theo lý giải của giới phân tích, mức giá này là thích hợp sau khi điều chỉnh tác động từ trái phiếu chuyển đổi (TCB hiện có 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi).
Do vậy đối với TCB, việc mua CP quỹ làm giảm vốn chủ sở hữu và cũng ảnh hưởng đến hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn). Theo tính toán, sau khi đầu tư mua CP quỹ, tổng vốn chủ sở hữu của TCB giảm 20,25%, từ 21.751 tỷ đồng xuống 17.347 tỷ đồng vào cuối quý II. Do đó hệ số CAR của TCB cũng bị ảnh hưởng đáng kể (hệ số CAR vào cuối năm 2016 là 13,12%).
Nếu so với những mã CP NH đang niêm yết, mức giá hiện tại của TCB và LPB tương đối cao. Tuy nhiên, ngay cả NĐT có kinh nghiệm cũng rất khó để khẳng định liệu 2 mã CP này sẽ bị bán mạnh để chốt lời hay tiếp tục tăng sau khi niêm yết. Thực tế, ngoài yếu tố chính là tình hình nội tại của bản thân NH, những yếu tố quyết định giá CP NH có thể nhắc đến như chính sách vĩ mô liên quan đến hệ thống (mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ) hay tốc độ xử lý nợ xấu.
Tại thời điểm cuối tháng 6-2017, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH 2,55%. Nếu tính cả 250.000 tỷ đồng nợ xấu VAMC đang giữ, tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,7%. Một yếu tố quan trọng nữa là diễn biến của TTCK thời điểm những CP này lên sàn. Nếu TTCK trong xu hướng tăng, CP NH sẽ được hưởng lợi và ngược lại.