Đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã để lại những hậu quả rất nặng nề. Biến đổi khí hậu khiến lượng mưa tại khu vực này lớn hơn nhiều năm dẫn đến việc phòng, chống lũ gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó, nhiều hồ thủy điện nhỏ cũng phải vận hành quy trình xả lũ nên được coi là có liên quan đến việc lũ lên nhanh, làm gia tăng dòng chảy, lũ chồng lũ…
Thực tế tại khu vực miền Trung, do địa hình hẹp lại có độ chênh lệch lớn về địa hình khiến hệ thống sông, suối ở đây có độ dốc lớn. Chính vì thế khi xây dựng các dự án thủy điện nhỏ ở đây, việc tận dụng lợi thế của dòng chảy cho phát điện được tính đếm là lợi ích. Và nguyên tắc cơ bản về giảm lũ vẫn được quy định cho tất cả các công trình thủy điện, không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ.
Theo như đánh giá của ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia tư vấn xây dựng các công trình thủy điện, nhìn chung các hồ thủy điện nhỏ đều có rất ít, hoặc không có khả năng điều tiết lũ và tích nước. Tại miền Trung, hồ Quảng Trị chỉ có khả năng điều tiết 21% lượng nước; hồ thủy điện Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ; hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%...
Khi thấy công năng của hồ thủy điện là vậy, liệu lũ lụt có liên quan đến việc vận hành quy trình xả lũ của các hồ thủy điện lại là vấn đề cần bàn đến. Theo quy định, các hồ chứa thủy điện đều có quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực hạ du.
Hiện nay, Bộ Công Thương phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3 cho các nhà máy thủy điện có công suất 30 MW trở lên. Sở Công Thương chịu trách nhiệm vận hành các hồ đập có dung tích nhỏ hơn. Dù cấp nào quản lý và trong bất cứ tình huống nào, nếu quy trình vận hành hồ chứa không được kiểm soát chặt chẽ, hậu quả vẫn sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Mặc dù không thể phủ nhận vai trò của thủy điện nhỏ khi có khả năng phát bù, hoà lưới điện giúp ổn định an ninh năng lượng, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần sớm rà soát lại quy trình vận hành hệ thống thủy điện nhỏ, đánh giá mức độ rủi ro và có giải pháp ứng phó. Cùng với đó, vấn đề lớn được đặt ra chính là cần quản lý chặt việc xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, đặc biệt trong quy trình vận hành hồ chứa.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, hiện các công trình thủy điện khi đưa vào xây dựng phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Điện lực, tài nguyên và môi trường. Từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã dừng không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ dưới 3 MW, các dự án thủy điện ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, môi trường.
Không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy thủy điện nhỏ
Ở một góc nhìn khác về vai trò của thủy điện nhỏ, ông Vũ Thanh Ca, Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, ngoài tác dụng bổ sung nguồn điện cho hệ thống, thủy điện nhỏ còn có thể điều hoà những trận lũ nhỏ, cục bộ hay góp phần không nhỏ trong điều tiết lượng nước cho vùng hạ du.
“Báo cáo của Nhóm công tác châu Âu về đập và lũ lụt cho thấy, các đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt rất lớn. Đặc biệt, các hồ lớn và có dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du. Thủy điện ở Việt Nam mới chiếm tỷ lệ còn ít, như Na Uy, thủy điện tới hơn 90%, New zealand tới 75%...”, ông Ca thông tin.
Hơn nữa theo ông Ca, tại Việt Nam hiện đã có quy định vận hành các hồ chứa. Khi có mưa ở thượng nguồn, các hồ sẽ xả nước trước tới mức đón lũ và khi lượng nước về hồ lớn, nước trong hồ dâng lên tới ngưỡng xả, hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Lúc này, các hồ thủy điện sẽ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước đổ về hồ.
“Thủy điện không thể xả quá lượng nước đổ về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản, là tiền nên không có chuyện các nhà quản lý nhà máy xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du”, ông Ca nói.
Ngoài ra, ông Ca cũng cho rằng, các hồ thủy điện có tác dụng trữ nước khi lũ về tốt hơn rừng. Rừng ở Việt Nam là rừng nguyện sinh, giữ được lượng nước trên cây, các tầng đất... Tổng lượng nước đánh giá mà rừng có thể chứa được cũng không phải quá lớn, tạm tính nhỏ hơn 200 ml (tương đương 0,2m) có thể chứa được. “Hồ thủy điện với mức đón lũ 4m nước, trong khi rừng chỉ tích được tối đa 0,2m nên đây là con số chênh lệch rất lớn để thấy giá trị tích nước của hồ thủy điện”, ông Ca chỉ rõ.
Nói về việc xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, ông Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, cần hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện. Phải lập thẩm định và phê duyệt dự án một cách nghiêm túc trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện đem lại.
Ngoài ra, các dự án đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các cửa xả đáy để thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn vì đây là nguồn tài nguyên có thể tận dụng. Đồng thời, khi xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ phải đảm bảo không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới hệ sinh thái.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia tư vấn xây dựng các công trình thủy điện cũng khuyến nghị, hồ chứa thủy điện chính là hạng mục quan trọng và có tác động đến môi trường và tính an toàn địa chất, do đó cần xem xét kỹ lưỡng khi trước khi quyết định cho phép đầu tư ở các dự án thủy điện sau này.