Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, nhưng cho đến nay những chiêu lừa đảo của không ít công ty bán hàng đa cấp vẫn đang bủa vây nhiều người dân, nhất là những khu vực xa thành thị.
Chiêu cũ lừa người mới
Ngay những ngày đầu năm mới, những thông tin xung quanh hội thảo khách hàng và giới thiệu sản phẩm sâm nhãn hiệu K&G (Hàn Quốc) do Cơ quan Đại diện phát triển Đông Nam Á - Công ty TNHH Quốc tế đầu tư phát triển ASEAN (viết tắt AseanB) và Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh (EBM) tổ chức tại TP Cần Thơ đã gây chú ý trong dư luận.
Thứ nhất vì đây là những hội thảo trái phép và thứ hai đây lại là những chiêu trò lừa bán hàng đa cấp đã cũ. Theo như lời quảng bá, người dân chỉ cần bỏ tiền mua sâm và nhận tiền tri ân. Số tiền tri ân dao động từ trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy vào số tiền người mua đã bỏ ra ban đầu để mua sâm.
Ngoài ra, nếu giới thiệu thêm người mua sâm sẽ được nhận hoa hồng. Chỉ cần nghe qua chiêu này nhiều người sẽ nhận ra đây là một trò lừa cũ được áp dụng với những người mới.
Lấy thí dụ về Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Khi ĐTTC tìm hiểu hoạt động của công ty này ở một vài tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định… mới thấy có rất nhiều người dân đang đặt cả niềm tin và tài sản của mình vào công ty này. Mỗi năm Thiên Ngọc Minh Uy lại đưa ra một chương trình khác nhau. Nhưng tựu chung cũng là mua càng nhiều mã hàng (trung bình 1 mã khoảng 8,5 triệu đồng) tiền thưởng càng nhiều.
Sau một khoảng thời gian từ 1-2 năm (tùy thời điểm tham gia) người mua sẽ nhận về số tiền gấp đôi, gấp ba số tiền bỏ ra mua sản phẩm ban đầu. Để cho người tham gia tin tưởng cứ vài tháng công ty lại phát thưởng một lần, số tiền thưởng tăng từ 500.000 lên 3,5 triệu, rồi 12 triệu đồng/mã/lần phát.
Chị Nguyễn Thu Trang (Nam Định) phấn khởi khoe sau khi mua 120 triệu đồng tiền hàng, đến nay sau 1 năm chị đã thu về 60 triệu đồng và chỉ hết năm sau sẽ có thêm vài trăm triệu. Chị còn cho biết, mấy người hàng xóm sau khi lên cấp trưởng phòng (do mua nhiều mã hàng) và giới thiệu được thêm nhiều người đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng.
Siết chặt quản lý
Vậy phía sau những lời cam kết nhận tiền trăm triệu, tiền tỷ có người được nhận hay không. Có, vẫn có nhiều người được nhận thưởng, nhưng thực chất tiền thưởng này cũng là lấy của người sau trả cho người trước. Lại nói về câu chuyện của chị Thu Trang, liệu hết năm sau chị có thu về đủ 120 triệu đồng của mình hay không chưa ai dám chắc.
Đã có nhiều câu chuyện buồn xung quanh hoạt động này. Vào thời điểm 2011, năm được xem tăng trưởng nóng của hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam, sự việc Agel chấm dứt hoạt động đã khiến hàng ngàn người tham gia hệ thống này phải nuốt trái đắng. Không chỉ Agel, thị trường còn có nhiều cái tên khác đã lừa gạt người tham gia, như Công ty Sinh Lợi. Những DN này đã núp bóng hoạt động kinh doanh đa cấp để thu lợi bất chính.
Theo bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng đa cấp mang tính chất lừa đảo đang gây bức xúc cho cộng đồng và làm mất uy tín, hình ảnh của các công ty kinh doanh đa cấp hợp pháp, chân chính.
Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, siết chặt các chính sách và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý nhằm giúp ngành kinh doanh này minh bạch hơn, lấy lại niềm tin người tiêu dùng.
Để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định 110. Tiếp theo, cùng với quá trình phát triển của thị trường, Chính phủ đã cho ra đời Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của DN bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia trước hành vi lừa đảo, trục lợi.
Nghị định 42 cấm DN bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…
Song nếu nhìn vào hoạt động hiện nay của các công ty bán hàng đa cấp, hầu hết đều vi phạm một vài điều trong nghị định. Trong đó việc chi hoa hồng cho việc dụ dỗ thêm người khác vào mạng lưới gần như nơi đâu cũng có. Nói như vậy để thấy rằng cơ quan quản lý cần vào cuộc tích cực hơn nữa. Có nghị định rồi nhưng các cơ quan quản lý đứng ngoài cuộc thì nghị định vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi.
![]() |
Quang cảnh đại hội khách hàng quảng cáo cao sâm ở Cần Thơ: Ảnh: Đình Tuyển |
Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh mô hình này nhưng việc nó vẫn được duy trì, phát triển cũng minh chứng đây không phải hoạt động xấu. Nhưng tại Việt Nam, để có thể thanh lọc thị trường, trả bán hàng đa cấp về với bản chất vốn có cần phải có thời gian, sự đồng hành của các cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng.